Âm vọng ngàn xưa trong thảm gạch Mosaic thương xá Tax

Ngày 26-1-2015, UBND Tp.HCM ra công văn 215/UBND-ĐTMT đồng ý bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax gồm “Cầu thang lót gạch Mosaic tại không gian sảnh chính...” Ngày 16-12-2015, SATRA (đơn vị chủ quản thương xá) gửi các sở ngành “phương án bảo tồn sẽ gồm cả việc bảo tồn bên ngoài lẫn bên trong tòa nhà Thương xá Tax”.

Sự ủng hộ của đông đảo người dân khiến người ta đặt ra câu hỏi: “Thảm gạch Mosaic đến từ Pháp, Maroc hay từ đâu”? 

Theo Faissel Farhi,  chủ nhân Mosaic “Zellig Gallery” ở Holywood - California, ông nội và cha đều  là thợ Cả/Maâlems xây dựng đền đài kiến trúc ở kinh thành Fes xứ Maroc, thì đất sét và kỹ thuật ráp Mosaic Tax là của người Maroc nhưng hoa văn của Ba Tư/Persia.

Bài viết này hy vọng hé mở đôi điều về những nét văn hóa còn khá mới mẻ đối với người Việt Nam trên.

Từ Vườn  Thiên Đàng  tới Thảm Gạch Mosaic Tax

Theo tác giả Emma Clark, ý niệm “Pairidaeza” bắt nguồn từ Hỏa giáo/Zarathushtra, quốc giáo của người Persia/Ba Tư trong 13 thế kỷ (từ TK 6TCN- TK 7SCN).  Tiếng Ba Tư “Pairidaeza” sau rút ngắn còn “paridiz” qua tiếng Anh/Pháp là “paradise, paradis”  nghĩa là thiên đàng, nơi không còn sợ hãi, lo âu, hối tiếc. Persian là dân tộc đầu tiên làm vườn tược công viên, mơ màng đó là cảnh thiên đàng vì họ sống ở vùng sa mạc Trung Đông. Một trong bảy kỳ quan thế giới chính là khu Vườn Treo Babylone của người Ba Tư vào thế kỷ 6TCN.

Nhiều tôn giáo, văn hoá trong vùng lần lượt mượn ý niệm Vườn Ba Tư “Pairidaeza” như Ki-tô giáo với vườn Eden và  Hồi giáo với Vườn Chahar-bagh.  TK 3TCN, đại đế Alexander sau khi chiếm Ai Cập từ tay người Ba Tư liền mang ý niệm Vườn về Hy Lạp. Áp dụng từ lâu đài hoàng gia, dinh thự, thư viện, viện bảo tàng đến nhà quyền quí, thương nhân giàu có.  Ngày nay du khách viếng lâu đài Versailles ở Paris,  Hidden Garden ở Washington D.C đến Getty Villa ở California, Hoa Kỳ... không hề biết đó là tiếng vang vọng từ Ba Tư cổ xưa. Học thuật cổ điển và kinh điển như ở Ý  hay Anh  chỉ mới vỡ lẽ và tìm hiểu về vườn Ba Tư đầu thế kỷ 20, trước nay người ta vẫn quen gọi là “kiến trúc Hy-La”

Thiết kế Vườn Ba-Tư - Ảnh Dr. Persi, 2011, wiki

Di Sản UNESCO công nhận 13 Vườn Ba Tư đều theo mô hình trên, 4 ở Ấn Độ và 9 ở Iran.

 Viện Bảo Tàng và Vườn Afif-Abad Garden,  Iran

Trong đó, đền Taj Mahal ở Ấn-Độ có vẻ quen thuộc với người Việt nhất, thi hàoR.Tagore tả “giọt lệ trên gò má thời gian”.

Hơn hai ngàn năm sau từ những cơn sóng vỗ bờ một mảnh Vườn Ba Tư trôi dạt vào đất Sài Gòn. Vườn Ba Tư có sáu kiểu khác nhau với nhiều loại hoa văn. Thảm Gạch Mosaic Tax là kiểu vườn Chahar-bagh/Vườn Bốn Mảnh (chahar: bốn, bagh: vườn) nhà quyền quí dành tiếp giới ngoại giao, với bốn yếu tố chính trong tôn giáo Islam: Trời - Đất - Nước - Cây thể hiện qua Mái Vòm, Vườn, Hồ Nước, Ngôi Sao. 

Mái Vòm

Theo kinh Coran, Vườn Chahar-bagh có mái vòm hình tròn tượng trưng cho không gian, biểu tượng là một Hạt Trai đặt trên bốn trụ cột.  Đền đài từ Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ tới châu Âu đều có mái vòm. Giáo đường Blagoveselskyi ở Moscow xây năm 1484-1489 có chín mái vòm dát vàng.

Âm vọng ngàn xưa trong thảm gạch Mosaic thương xá Tax ảnh 4
 
Photo của Petar Milosevic, 2009 wiki

Nông dân Việt “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống lấy ruộng tôi cầy...” thì cư dân vùng sa mạc nóng bỏng coi mưa là sự sống, là lòng thương xót trời cao gửi xuống nuôi cây cỏ, đất đai và thanh lọc “khu vườn sâu kín trong tâm hồn”. Nghệ sĩ Islam cố gắng diễn tả những gì thượng đế gửi xuống nên đền thờ Islam đều làm theo hình vòm gắn Mosaic như trời xanh chi chít ngàn sao.

Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Magasins Godard ở Hà Nội dựa theo thương xá Galeries Lafayette và La Samaritaine ở Paris có vòm trần cao.

 Vòm trần Galeries Lafayette -Ảnh của Pinpin, 2005 wiki

GMC Saigon cũng có vòm trần cao nhưng bị đập bỏ sau năm 1948 để nâng thêm tầng.  Theo SATRA, mái vòm này sẽ được phục hồi ...”Đối với phương án bảo tồn bên ngoài, khối bệ cao 6 tầng với ba tầng bên dưới (tương đương với số tầng của tòa nhà năm 1924) được thiết kế mô phỏng các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc ban đầu. Trên nóc tầng 3 ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ có một mái vòm với hoa văn gợi lại hình ảnh của tòa nhà Grands Magasins Charner”.  Thật là một tin vui nhưng cũng là một công trình đầy thách đố. Nếu tôi hiểu đúng, thì thương xá mới sẽ có ba lớp: lớp thứ nhất 3 tầng có mái vòm; lớp thứ hai 6 tầng; lớp thứ ba 43 tầng.

Vòm mới của thương xá Tax sẽ là một vòm trời cao vút đầy sao hay có cả những thiên thần bay lượn? Hoa văn sẽ khớp với ý nghĩa Vườn Hồng hơn 2000 năm trước hay theo Art Décor năm 1924? Hay sẽ “riêng một góc trời” như ngôi sao ở chân cầu thang lạc lõng với khung cảnh: ý nghĩa, vật liệu, kích thước tới màu sắc khô cứng tựa hồ một vết dao đâm vào trái tim nữ thần mỹ thuật Aphrodite? Dù không có lệnh của nữ thần, ngôi sao té giếng này từ trời rơi xuống nằm  ở sảnh chính mà hồi nhỏ nhớ là không có.  

 Ngôi sao ở tầng một Thương xá Tax, 09/2014

Vườn Hoa Hồng

Qua kinh, thơ, tranh, gốm và thảm dệt, nghệ thuật Islam thường xuyên nhắc tới nước, vườn hoa, bóng mát. Với người Ba Tư dệt thảm là viết sử, Thảm là đền thờ thanh tịnh cho nghỉ ngơi và cầu nguyện. Thảm Ba Tư nổi tiếng khắp thế giới. Lâu đài, thư viện, dinh thự, nhà giàu bắt buộc phải có thảm Ba Tư vì thảm không chỉ là trân ngoạn mà còn nói lên trình độ chủ nhân.  Viện Bảo Tàng ở Pháp, Anh, Ý, Đức, Mỹ, Nga ... đều lưu giữ Thảm Ba Tư cổ.

Thảm dệt Chahar-bagh ở Isfahan,  Iran, tk 17

Kiệt tác “Rose Garden-Vườn Hồng” thi sĩ Sa'di người Ba Tư sáng tác năm 1258 ảnh hưởng văn học Đông phương lẫn Tây phương mãi tới bây giờ.  Người Ả Rập chưng cất tinh dầu hoa hồng từ thế kỷ thứ 9 chỉ dành làm quà ngoại giao. Ở Maroc, mỗi tháng năm có Hội Hoa Hồng. Damascus, tên thủ đô của Syria cũng có ý nghĩa là hoa Hồng. 

 Thảm dệt hoa Hồng - Persian Art & Architecture 01/2016

Thảm Gạch Hoa Hồng Mosaic Tax chính là một đền thờ: Vườn là nơi cầu nguyện và Hoa Hồng tượng trưng cho điều cao quí như hoa mọc giữa đám gai. Có ba Vườn Hồng: hai Vườn hai bên cầu thang  mỗi Vườn có 35 bông hồng; Vườn chính giữa nối với lầu hai là một hình cong tượng trưng cho thiên đàng, bao quanh hình chữ nhật tượng trưng cho trần thế. Lượn theo hình cong là bốn bụi hoa hồng lớn và bốn bụi hoa hồng nhỏ, tổng cộng 84 bông hồng.

Hàng lá màu xám xen giữa những bụi hồng là cây ăn trái và rau cỏ, là bóng mát của cây tùng, cây thông tượng trưng cho người đàn ông. Con số Bốn trong Chahar-bagh hàm ý bốn hướng chính của vũ trụ, là trung tâm của thế giới, sự vững chắc của trái đất, bốn dòng sông nước, sữa, rượu và mật ong.  Số tám có nghĩa con người đi qua bảy tầng trời mới thấy nơi thần tiên nhất chính là “Thiên Đàng-Hasht Behesht”. Ba Thảm Gạch Mosaic có tất cả 154 bông hồng lát ba chiều.  

 Mosaic trên Cầu thang Tax, toàn cảnh - Ảnh  Alexandre  Garel, Saigon,  09/2014

Hồ Nước

21 ô vuông hình Chữ Nhật giữa Vườn Hồng Lớn chính là “hồ nước” luôn hiện diện trong Vườn Điạ Đàng Chahar-bagh. Viện Bảo Tàng Getty Villa cũng có hồ nước này nhưng không nhận ra kiểu vườn Ba Tư nên cho là hồ kiểu Địa Trung Hải.

 Hồ Nước Viện Bảo tàng Getty Villa- Ảnh tác giả,  California,  12/2015

Vườn Versailles ở Pháp được mô tả “kiểu Pháp cổ điển” dù mô hình giống hệt mô hình vườn Ba Tư. Năm 1668, kiến trúc sư André Le Notre đào một Kênh Lớn dài 1.670m ngang 62m dành cho Vua Louis XIV mùa hè rong thuyền mùa đông trượt tuyết, năm 1671 thành Venice gửi tặng Vua Louis hai chiếc Gondola (thuyền đáy bằng).  

 Vườn Versailles, Bồn Nước tròn, bốn góc đối xứng, xa xa là kênh đào- Ảnh Dr. Kaveh Farrokh -http://kavehfarrokh.com

Ở Saigon, người Pháp làm ngược lại.  Kênh Chợ Vải 700m ngang 40m từ sông Sài Gòn dẫn vào thành Gia Định tàu bè hàng hóa tấp nập nên Kênh bị ô nhiễm tới mức cư  dân yêu cầu  lấp.  Sau 20 năm tranh cãi, năm 1887 nguời Pháp lấp Kênh làm thành đường Charner, người Việt gọi là đường Kinh Lấp, đến năm 1956 đổi tên là Nguyễn Huệ.

Nếu người Pháp làm đường Hàm Nghi cho dân chuyển hàng hóa từ sông Sài Gòn tới chợ Sài Gòn, giữ kênh Chợ Vải thì Sài Gòn có một Vườn Địa Đàng với hồ nước thiên nhiên thông với sông Sài Gòn, giờ này có thể cho Gondola thứ thiệt dạo chơi. Hoặc chỉ lấp Kênh 500m, chừa lại 200m trước Bồn Nước ở Bùng Binh, Gondola sẽ có Vườn Địa Đàng: một hồ nước dài 200m, Bùng Binh, Vườn Hoa rồi tới Hôtel de Ville (tức Tòa Đô Chính, ngày nay là UBNDTP) như mô hình của Vườn Địa Đàng Chahar-bagh. Thật tiếc, người Pháp đã bỏ lỡ cơ hội này. Tiếc hơn nữa, Bùng Binh phun nước nay cũng không còn.

Ngôi Sao

Trong vườn Islam bồn nước chảy róc rách là trung tâm với đài phun nước thường được đặt trong một hình tám cạnh.  Số tám là hình thức hình học chuyển tiếp giữa vòng tròn tượng trưng cho trời và hình vuông cho đất.  Hình ảnh này luôn gặp trong nghệ thuật Islam:

Âm vọng ngàn xưa trong thảm gạch Mosaic thương xá Tax ảnh 12
 

Morocco Art & Architecture.  Ảnh Abdel Hafid, 01/2016

Hai bên cầu thang Tax, Vườn Hồng Nhỏ có hai hình vuông lồng vào nhau thành ngôi sao tám cạnh giữa vòng tròn cùng ý nghiã “trời tròn và đất vuông” trong Chahar-bagh:

Cùng với sự phát triển của đô thị, dân cư ngày càng đông đúc hơn. Càng đông, người ta càng mong muốn thoát khỏi những khu vực bê tông đến những chốn hoang sơ hòng gặp mảnh vườn trong chính mình, nơi không ai phá hủy được. Giữ lại Thảm Gạch Mosaic Tax là cách để nhắc nhở nhân gian về một khu Vườn Điạ Đàng hoang sơ, nơi yên bình tồn tại trong mỗi tâm hồn nhưng đang dần bị bộn bề vùi lấp.

* Trong bài, một số chữ được viết hoa như tên riêng, một số không dịch vì dịch sẽ sai, một số để tiếng Việt và tiếng Anh cho tiện tham khảo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm