Sau khi mua quà xong, người bạn ấy nói với tôi một cách ngạc nhiên: “Trong Sài Gòn này lạ thật. Bán hàng xong là người bán luôn cảm ơn người mua. Ngoài em thì không bao giờ có”. Tôi bảo trong Sài Gòn này nó thế! Bởi vì từ trước đến nay người trong Sài Gòn quan niệm người bán mang ơn người mua. Nếu bạn đi mua rau củ về nấu canh thì người bán sẽ cho thêm một mớ hành, ngò (mùi thơm). Có thể đây là lòng thơm thảo và cũng là “mánh” để cho người mua ghé lại thêm nhiều lần nữa. Cơ bản là quê bạn sống trong bao cấp lâu quá nên cái tâm thế người bán là người ban ơn vẫn còn in sâu, không dễ gì một sớm một chiều mà phai đi được.
Tôi ra Hà Nội. Một người bạn văn đưa tôi đi ăn phở Bát Đàn. Bạn nói phở ở đây ngon và đặc biệt lắm. Đặc biệt sao? Khách phải tự bưng tô, cầm sẵn tiền, sắp hàng đến quầy chứ không ai phục vụ. Tôi liền từ chối. Ngon cỡ nào tôi cũng không thể ăn kiểu như được người bán bố thí. Và ngay cả ăn không trả tiền tôi cũng không đến. Để giải quyết, bạn văn tôi đưa tôi đến quán cà phê đối diện và nhờ người phục vụ quán cà phê mua phở giùm. Phở ra sao? Cũng như cỡ Phú Gia trong này là cùng. Ngon có lẽ vì phải đứng sắp hàng như thời bao cấp? Nếu không nói ngon thì uổng công mình sao? Tôi nói với bạn trong Sài Gòn chưa bao giờ có cảnh người ăn phải đứng sắp hàng như vậy - ngay cả trong thời bao cấp. Chúng tôi có thể đứng sắp hàng mua phiếu, không chen lấn nhưng đứng sắp hàng, bưng tô, cầm đũa muỗng chờ đợi như sắp được phát chẩn, bố thí thì không còn ra cái “thống chế” gì cả. Ngay thời uống bia kèm mồi, một dĩa mồi có được một ấm bia, chúng tôi cũng ngồi ở bàn mà chờ phục vụ.
Nghe nói ở Hà Nội có hàng bún chửi được đưa lên xi-èn-èn (CNN) có người lấy làm hãnh diện. Ẩm thực đường phố ta đã được giới thiệu ra thế giới hoành tráng chưa?
Tôi thấy hoành tráng cái nỗi gì mà tự hào! Người làm phim truyền hình luôn muốn đi tìm cái lạ ở đất nước họ đến. Ở xứ họ có bao giờ được nghe cũng như thấy người bán có uy quyền với khách như ở Hà Nội ta. Bởi vậy, trong con mắt truyền hình, đây là chuyện hiếm, lạ mà không quý. Cho khán giả xem để biết cho… vui. Để hiểu thêm cách buôn bán ở Hà Nội.
Thôi, đây là thói quen của bà chủ bán quán chửi. Ta không bàn. Chúng ta nên tự hỏi tại sao có khách bị chủ quán chửi mà vẫn đến ăn. Hay là quán này ngon nhất xứ Hà thành, vô đối thủ? Hoặc là nó quá rẻ. Rẻ như cho không? Cũng có thể quán này ngon vì có kèm theo tiếng chửi. Chẳng biết! Thôi cứ cho là quán này vừa ngon, nhiều bổ mà lại rẻ. Rẻ như cho không. Chịu đựng tiếng chửi chút nhưng ăn được miếng ăn giá rẻ thì có sao? Nhưng thực ra cũng không hề rẻ hơn những quán ăn khác. Thế mà tại sao họ lại vẫn cứ ăn?
Thôi cứ cho là quán rất ngon, ngon lắm. Duy nhất ở Hà thành quán này là bá chủ. Nhưng để ăn miếng ngon mà bị chửi thì có nên không? Tôi thì nhất quyết không ăn rồi đó. Ở Sài Gòn, nghe nói cũng có một quán miến chửi cũng do một người gốc Bắc làm chủ với hương vị Hà Nội. Khách hàng cũng đông, mỗi sáng xe cộ của nam thanh nữ tú chật lề đường. Nhưng tôi không hề vào vì quan niệm chỉ vì một miếng ngon, hợp khẩu vị mà nghe chửi - dù cho chửi người khác - thì nhục, ức chế vô cùng, làm sao ăn được? Hay là những thực khách ở đây đang mang một tâm thế của AQ: Nó chửi mình như chửi cha nó hoặc nhẹ hơn là nó chửi thằng khác chứ không phải chửi mình.
Chính vì những vị thực khách này nên bà chủ quán mới dám chửi. Nếu như mọi thực khách đều tẩy chay thì hỏi bà chủ quán chửi sẽ bán cho ai hay là phải đổi thái độ tươi cười, giòn giã “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhưng chưa thực khách nào vì lòng tự ái của mình cao hơn miếng ăn nên vẫn chui đến quán để nghe chửi. Thôi, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thì chịu vậy, phàn nàn làm chi.
Bây giờ nghe bà chủ nói từ khi được đưa lên xi-èn-èn quán bà lại còn đông thực khách hơn nữa. Thôi thì quán chửi thì cứ chửi, ta ăn thì cứ ăn cho nó sành điệu vì đã được lên tivi nước ngoài, oách nhé! Mình cứ cắm đầu ăn… ăn… ăn…, còn chủ quán chửi… chửi… chửi… Cứ đề huề vui sống, miễn có ăn là tốt. Vui ra phết, nhể?