Không còn mặn mà với đại học như xưa

Vào thời điểm này các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn, những cô cậu tú chuẩn bị bước chân vào ĐH đang hồi hộp chờ đợi. Nhưng đặc biệt năm nay tôi thấy nó không quá căng thẳng như những năm trước.

Ý chí tự lập đến sớm

Bà chị tôi rầu rĩ bảo thằng cháu cậu nó cà lơ phất phơ quá, chuyện vào ĐH mà nó coi như chơi. Chả bù với lớp bọn mình hồi đó, cắm đầu cắm cổ học, ráng sức vào cho được ĐH. Tôi an ủi bà chị thời đại bây giờ khác rồi chị ạ. Sống trong thế giới phẳng, cả thế giới mở ra, tràn ngập thông tin, bọn trẻ chúng nó trưởng thành sớm hơn bọn mình hồi đó nhiều. Để cho nó giáp mặt cuộc đời, chị ạ.

Tôi ra sân bóng đá mini, cỏ nhân tạo xanh mướt, mát rượi. Nhìn bọn trẻ quần nhau với trái banh trong nắng sớm tôi nhớ lại thời chúng tôi bị áp lực học tập, từ gia đình tới nhà trường, lúc nào cũng căng thẳng. Trường thì chạy theo thành tích học tập của học sinh để báo cáo cấp trên kiếm bằng khen, điểm thưởng. Còn gia đình cũng áp lực đè lên con cái đôi khi vì sĩ diện với bà con, bạn bè. Tôi mừng vì thấy những áp lực ngày càng được mở... Tôi lảng ra khi trận cầu vừa tan, lắng nghe cuộc chuyện trò rôm rả của lũ trẻ. Tiếng thằng cháu tôi sang sảng: “Tao báo cho chúng mày biết tao đã quyết định nghỉ học nếu không vào được ĐH. Tao sẽ mở quán cà phê sạch. 20 năm trước ông Nguyên Vũ học y khoa ra, rồi bỏ bằng bác sĩ đi mở quán cà phê đó. Bây giờ ổng thành vua cà phê Việt, bọn mày thấy không? Có đứa nào hùn với tao không?”. Tôi khá bất ngờ khi nghe thằng cháu tôi nói. Và càng bất ngờ hơn khi có đến năm, sáu cánh tay đưa lên và tiếng nhao nhao: “Tao, tao hùn với”. Thằng cháu tôi nói tiếp dõng dạc: “Bọn mày còn phải về xin ba má đã. Bây giờ bọn mình đi uống cà phê để bắt đầu tập nghiên cứu cà phê sạch nha”. Có lẽ rồi tôi sẽ giảng giải cho thằng cháu không phải ai ra đời lập nghiệp cũng có thể thành công như ông Vũ.

Giáp mặt cuộc đời

Hôm trường ĐH công bố điểm chuẩn, thằng cháu tôi trượt nhưng nó chỉ hơi thất vọng chứ không có vẻ gì là buồn rầu. Nó cùng mấy đứa bạn xin gia đình tham gia nhóm thanh niên tình nguyện làm sạch môi trường của phường. Mẹ nó không đồng ý. Bà bảo đi đào kênh, vét cống rãnh dơ dáy về mang bệnh đó. Nó thuyết phục mẹ nó: “Con xem trên mạng thấy ở Hà Nội có mấy người nước ngoài lội xuống kênh đầy sình dơ dáy vớt rác, trong khi nhiều người Việt đứng trên bờ ngó. Con thấy chướng quá”. Bà chị tôi bị thuyết phục. Bà mua sắm đủ đồ bảo hộ cho nó.

Hôm tôi chở bà chị xuống Nhà Bè vừa tham quan vừa xem thằng cháu và đám bạn của nó hăng say vét kênh mương, vớt bùn rác, dọn dẹp đổ nước các chum, vò nước, vỏ xe hơi cũ... để diệt lăng quăng trừ sốt xuất huyết. Bà chị tôi hào hứng: “Đúng là bọn nhỏ hay thiệt nha. Tôi thấy cũng ngứa ngáy tay chân muốn nhào vô làm với bọn nhỏ, nhưng...”. Tôi cười, xin can bà chị, để cho bọn nhỏ yên tâm làm việc. Đúng là công tác thiện nguyện không chỉ dành cho giới trẻ nhưng những người có tuổi nên làm công việc khác phù hợp hơn. Hôm sau bà chị tôi đi vận động các bà trong hội phụ nữ phường đóng góp tiền mua thực phẩm tiếp tế, bồi dưỡng cho các thanh niên tình nguyện.

Sau chuyến đi tình nguyện làm sạch môi trường về, thằng cháu và đám bạn nó có vẻ rắn rỏi, chững chạc hơn. Nó bảo mẹ nó “Thôi con không học cao đẳng đâu. Học xong mai mốt lại học liên thông mất thời gian và tiền bạc lắm. Con nhất định sẽ khởi nghiệp. Số tiền thay vì mẹ chuẩn bị cho con đi học cao đẳng rồi liên thông ĐH, mẹ cho con làm vốn mở quán cà phê sạch. Con muốn góp chút công sức bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Mẹ tin con đi, con tin chắc sẽ thành công. Năm năm sau con sẽ trả vốn lại cho mẹ”. Nó còn huy động cả ba đứa bạn cùng cảnh ngộ trượt ĐH và cùng quyết tâm hùn vốn kinh doanh luân phiên đến từng nhà nhau để thuyết phục bố mẹ từng người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm