Những con hẻm cụt chỉ có vài ba nhà, đất vườn rộng trồng cây ăn trái, cây kiểng… Cuối đường là một cái chợ trời bán đồ điện máy, nhiều nhất là quạt điện, máy may, xe Honda, dàn Akai nghe nhạc… Rồi bàn ghế, nồi niêu xoong chảo, chén dĩa kiểu bán cả bộ có, lẻ bộ cũng có. Đó là đồ đạc từ những ngôi nhà vắng chủ ở xung quanh, có người ăn trộm mà người ăn kẻ ở lấy bán cũng có… Thời buổi lộn xộn, người bỏ đi rồi giữ được cái nhà là may, đồ đạc còn ai dùng mà giữ! Sau vài năm cái chợ trời này cũng tự giải tán, chắc vì không còn chôm chỉa được nữa.
Sài Gòn không khi nào vắng tiếng rao bán hàng rong.
Trên con đường ấy, mỗi xế chiều khoảng 2-3 giờ lần lượt có những gánh hàng rong đi qua, tiếng rao đủ cung bậc trầm bổng. Đầu tiên là chị bán chè “Ai chè đậu xanh, đậu trắng, táo xọn, chè thưng bột báng nước cốt dừa hông…”. Chị đi qua rồi mà tiếng rao vẫn ngân nga trong hẻm nhỏ. Kế đến là anh “bánh chưng giò tét đây” cất tiếng cụt lủn nhưng vui vẻ xen với tiếng chiếc xe đạp của anh kêu lọc xọc… Anh chưng giò tét còn vòng lại vài lần tới khuya, lúc nào cũng có bánh nóng hổi. Rồi bà bắp nấu giọng khan khan đẩy cái xe hai bánh có thùng bắp bốc hơi nghi ngút, chị đậu hũ giọng Bắc thanh thanh đi qua rồi mà nước đường thốt nốt thơm mùi gừng còn vương lại, bà bán bánh ướt chả lụa ai mới nghe tiếng rao cũng tưởng là “sách bút đả bộ” không hiểu là bán gì, vì bà gốc người Hoa nói tiếng Việt lơ lớ. Mỗi khi một tiếng rao vang lên, người trong phố có thể đoán biết là mấy giờ, kể cả khi trời mưa cũng ít khi sai lệch.
Chỉ có một người thất thường, khi trưa khi chiều, có khi sẩm tối…, dù vậy nhưng bao giờ bà cũng bán hết hàng nhanh chóng. Đó là bà bún bì. Giọng miền Tây cất tiếng rao nhỏ nhẹ “Ai bún bì… hông… bún bì đây…”. Người trong phố nói bà mới xuất hiện khoảng hơn nửa năm, nghe nói chồng đi lính mà mấy ngày cuối cuộc chiến không thấy về nhà, chẳng biết sống chết thế nào, đi ở ra sao, dưới quê lộn xộn không làm gì được, bà gửi bầy con cho bên ngoại rồi lên thành phố với gánh bún bì, vừa kiếm sống vừa tìm chồng.
Món bún bì khá mất công. Khi có người ăn, bà bán bún bì hạ đôi gánh xuống, lấy ra chiếc thớt nhỏ bằng gỗ me và dùng chiếc khăn trắng tinh lau qua, lấy mấy miếng da heo luộc chín và dùng một con dao bén ngọt bà khéo léo lạng da heo thành từng lát mỏng dính, rồi nhanh tay xắt thành sợi nhỏ. Đến miếng thịt heo khìa nước dừa ngà màu nâu rất hấp dẫn bà cũng làm như vậy. Thịt khìa phải là thịt đùi vừa mỡ vừa nạc mềm mà không khô.
Để thịt và bì đã xắt vào một chiếc tô, bà xúc một muỗng thính gạo thơm lừng, thêm chút tỏi bằm nhuyễn, chút muối chút đường, trộn đều lên. Lấy chiếc tô khác bà gắp vô miếng bún đủ ăn, rồi để bì đã trộn lên trên, trên cùng là lớp rau sống dưa leo cũng xắt sợi cùng với giá sống. Chan một muỗng nước mắm pha tỏi ớt, vậy là đã sẵn sàng cho người ngồi đợi đang hít hà mùi thơm của tô bún bì. Sợi bún và cọng giá trắng tinh lẫn với sợi thịt sợi bì màu nâu, sợi rau màu xanh, điểm lát ớt đỏ tỏi trắng ngà… hấp dẫn quá chừng. Bởi vậy bất cứ lúc nào nghe tiếng rao “bún bì hông, bì bún đây”… thì khách quen không ai bỏ qua được. Món bún bì ăn nhẹ, dễ tiêu lại kích thích khứu giác, thị giác và cả vị giác nữa.
Đây là món ăn dân dã miền quê Nam Bộ nhà nào cũng biết làm. Chỉ trong chốc lát, qua đôi tay người mẹ, người chị khéo léo lạng da xắt thịt thì sẽ có ngay bữa bún bì đãi khách hay lót dạ buổi xế.
Bây giờ ít ai tự luộc và xắt bì rất khó làm, vì ngoài chợ đã có bán bì xắt bằng máy, sợi dài thòn đều như một nhưng ăn dai mà mất đi cái vị giòn của miếng bì tự xắt ăn ngay.