Như vậy, phải sau hơn một tháng kể từ ngày xảy ra sự cố có dấu hiệu bất thường trong việc công bố thông tin về chất asen trong nước mắm truyền thống và cũng sau hơn một tháng từ chỉ đạo thứ nhất của Thủ tướng về việc xử lý về sự vụ này (Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xử lý và báo cáo cho Thủ tướng trước ngày 10-11), Vinastas mới đưa ra lời xin lỗi chính thức. Rõ ràng động thái này là khá chậm chạp về mặt thời gian và không tương thích về mặt hình thức so với những gì mà Vinastas đã thực hiện khi công bố thông tin khảo sát trước đó (tổ chức họp báo).
Điều đáng nói hơn, trong văn bản xin lỗi trên, Vinastas không đề cập đến những hậu quả thiệt hại do thông tin công bố của mình gây ra mà chỉ trình bày một cách rất câu chữ rằng “gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất kinh doanh nước mắm”. Trong khi đó văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xử lý của năm hiệp hội nước mắm nêu rõ: “Việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam…”. Và “với tuyên bố một cách chung chung asen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng cực kỳ hoang mang, có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống”. Rõ ràng những thiệt hại cho nước mắm truyền thống từ việc công bố thông tin của Vinastas là hoàn toàn có thật và phạm vi tác động không nằm ở diện hẹp nữa.
Trong sự cố này, Bộ TT&TT đã xử lý rất mạnh tay đối với các báo liên quan. 50 tờ báo đã bị xử phạt hành chính với các mức phạt khác nhau (trong đó mức phạt cao nhất đã được áp dụng - phạt tiền 200 triệu đồng). Và không ít cá nhân của các cơ quan báo chí đã bị xử lý kỷ luật rất nặng (cách chức). Vậy còn việc xử lý Vinastas, tổ chức đã cung cấp thông tin không chuẩn xác trong sự vụ trên thì sao?
Ngay trong hôm qua (29-11), Thủ tướng đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo thứ hai trong vòng hơn một tháng, yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ xử lý các vi phạm liên quan đến Vinastas trong sự vụ trên. Trả lời chúng tôi về vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinastas từ kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ. Ông Vượng cho hay “hiện nay các bộ, cơ quan đang khẩn trương thực hiện nghiêm vụ Thủ tướng giao tiếp tục xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của Vinastas và các tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật”.
Vinastas không thể nhân danh bất cứ điều gì để công bố thông tin không chuẩn xác, gây thiệt hại cho các tổ chức cũng như của xã hội. Sai phạm thì phải bị xử lý, đó là lẽ công bằng của pháp luật. Liệu sự công bằng đó có được thực thi một cách khẩn trương, đúng mức? Công luận đang chờ hành xử cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền mà Thủ tướng giao nhiệm vụ.