Qua hình mẫu khá thành công thực hiện dự án cải tạo môi trường và cảnh quan hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhân dân TP rất ủng hộ quyết định trên.
Nghe tin ai cũng mừng nhưng...
Nhưng đối với hơn 26.000 dân đang sinh sống trên kênh và ven bờ nam kênh Đôi lại vừa mừng vừa lo… Nhiều gia đình sống từ nhiều đời bên bờ kênh, nửa trên bờ nửa trên kênh, hoặc trong những căn nhà sàn gỗ xập xệ trên kênh từ thời chiến tranh. Họ lo cũng phải, bởi như lời cụ Trần Văn N. (85 tuổi) bảo: “Tui ở đây đã hơn 60 năm, chứng kiến bao cuộc bể dâu mấy chục năm nay, từ hồi ông Ngô Đình Diệm mới về chấp chánh…”. Một bà già ngồi bó gối ngắt lời: “Ông nói cái chuyện xưa cũ đó làm gì. Không chịu lo sắp tới bị di dời chưa biết đi đâu. Nhà ông nằm nửa trên bờ nửa trên kênh nhưng được cái có mặt tiền đường, con cháu có chỗ buôn bán kiếm sống. Nhà tui ở trên kênh không có miếng đất cắm dùi, không biết mai mốt người ta di dời có bồi thường được đủ tiền xuống Nhà Bè kiếm cái nền nhà không nữa?”. Tôi kiên nhẫn lắng nghe hai ông bà già cãi nhau về những chuyện trong xóm. Cuộc cãi vã của hai ông bà già ở cái quán cà phê cóc bên bờ kênh Đôi kết thúc bất ngờ khi ông xe ôm chạy tới báo bà vợ của ông già lên huyết áp đột quỵ, con gái ông đưa đi bệnh viện, bảo đến chở ông về coi nhà gấp.
Hơn 26.000 dân sống trên kênh Đôi sẽ được tái định cư nhưng họ sẽ rất khó thích nghi với cuộc sống mới.
Tôi tiếp tục chuyến du hành… ven kênh, trò chuyện và lắng nghe được tâm tư, tình cảm của bà con sống ven kênh, rạch với hy vọng viết lên được tâm tư của bà con. Bởi ít ai giàu có, khá giả lại sống trên kênh, rạch nước đen hôi hám quanh năm. Ở ngay đầu cầu kênh Tẻ, phía quận 7 trước kia là những ruộng cỏ lát, nay là một khu phố sầm uất, sang trọng. Tôi bắt chuyện với một anh chạy xe ba bánh chờ chở vật liệu xây dựng. Nhà anh ở phường 1, quận 8, nằm trên kênh Đôi. Cha anh quê Trà Vinh, tị nạn chiến cuộc, lên TP từ năm 1969, cất cái nhà sàn trên kênh cho cả nhà sinh sống. Cha mất, anh tiếp nối nghề cha chạy xe ba gác, rồi mấy năm trước có lệnh cấm xe ba bánh tự chế, công an giao thông gom xe cũ, hỗ trợ ít tiền, anh vay thêm mua cái xe ba bánh Trung Quốc chạy mấy năm mà chưa trả hết nợ. Anh bảo: “Giờ tui lo quá, nghe nói sắp tới sẽ di dời hết dân bờ nam kênh Đôi, chưa biết dời đi đâu. Chắc là lại vô chung cư tái định cư”.
Tôi làm như không hiểu, hỏi anh được vào ở chung cư mới khang trang hơn nhà cũ nhiều, sao lại lo? Anh cười giả lả không trả lời. Đi tìm câu trả lời thật ra không khó.
Tái định cư, ổn rồi nhưng sống sao đây?
Những khu chung cư tái định cư (TĐC) sạch sẽ, khang trang hơn mấy lần những căn nhà ổ chuột ven kênh rạch nhưng nhiều người vẫn lo lắng khi được thông báo lúc nào giải tỏa sẽ được di dời đến đó, với diện tích căn hộ tùy theo diện tích nhà cũ. Nhiều nhà đông nhân khẩu muốn mua rộng thêm phải đăng ký và mua phần phụ trội theo giá cao hơn. Cái lo trước mắt là tiền đền bù, hỗ trợ di dời nếu là nhà trên kênh rạch, không giấy tờ, chắc chắn là không đủ mua nhà TĐC. Cái lo lớn là gom hết tiền mua được căn hộ để ở thì làm cái gì sống.
Một ông bạn tôi bị giải tỏa nhà ở cư xá Thủ Thiêm cũ để xây dựng khu đô thị mới, được mua được một căn hộ 50 m2 tận lầu năm ở khu TĐC Bình Khánh, quận 2 rên rỉ: “Ông biết không, có hôm mình đi làm mà quên chìa khóa xe, kẹt thang máy lâu quá, mình leo bộ lên năm tầng lầu lấy chìa khóa muốn tắt thở, nghỉ làm luôn. Kiểu này chắc có ngày công ty cho tôi nghỉ luôn quá”. Còn bà vợ anh than, từ ngày về chung cư TĐC này bà phải bỏ cửa hàng tạp hóa, mỗi ngày đắt thì kiếm một vài trăm, ế cũng năm, bảy chục phụ tiền chợ với ổng. Bà bảo: “Tôi gần như mất hết bạn bè, không ai chịu chạy đến đây gửi xe rồi mò lên lầu. Tôi trở thành bà già thui thủi cả ngày với cái tivi”.