“TP.HCM đã rút ra nhiều bài học về công tác tái định cư (TĐC). Ngoài bố trí chỗ ở mới còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như công ăn việc làm, học tập, môi trường sống và sinh hoạt, đi lại, phong tục tập quán của người dân...”. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM (ảnh), nói với Pháp Luật TP.HCM về chương trình giải tỏa, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch.
Không máy móc dời dân đi xa
. Phóng viên: Di dời, giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch là chủ trương đúng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều người được TĐC cho hay họ hài lòng về chỗ ở nhưng không biết làm gì để sống. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?
+ Ông Trần Trọng Tuấn: Trước đây, công tác TĐC chủ yếu nặng về giải quyết chỗ ở, chỉ là di dời dân từ nơi này sang nơi khác thôi. Việc di dời người dân sang một nơi ở mới khang trang là mong muốn của chính quyền TP. Đó cũng là lý do ra đời khu TĐC 45 ha tại Vĩnh Lộc B, Bình Chánh với gần 2.000 căn hộ và 500 nền đất. Tuy nhiên, có nhiều người dân di dời về Bình Chánh nhưng con cái của họ vẫn học ở các quận trung tâm. Sáng họ chạy cả chục cây số chở con đến trường, chiều lại đến đón con về. Riết họ chịu không nổi, phải bán nhà TĐC để tìm nơi khác sinh sống.
Từ thực tế đó, lãnh đạo TP nhận thức sâu sắc: TĐC không chỉ là bố trí chỗ ở mà còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là công ăn việc làm, học tập, môi trường sống và sinh hoạt, đi lại, phong tục tập quán của người dân. Bài học đó đã và đang được chính quyền TP tiếp thu một cách sâu sắc.
. Trước đây, TP cũng đã tổng kết thực tiễn tại nhiều dự án chỉnh trang đô thị lớn. Vậy tại sao dự án rạch Ụ Cây thực hiện sau nhưng vẫn vấp phải vết xe đổ trước đó trong công tác TĐC?
+ Trong hơn 20 năm qua, TP đã di dời khoảng 36.000 căn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch. Trong 36.000 căn này không phải trường hợp nào cũng như tại rạch Ụ Cây. Thực tiễn của dự án rạch Ụ Cây cho thấy việc di dân phải gắn liền với nơi họ sinh sống để không làm xáo trộn cuộc sống.
Khoảng 10.000 căn nhà ven kênh sẽ được TP.HCM giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiện nay, TP đã ưu tiên quỹ nhà, quỹ đất để bố trí TĐC cho người dân tại chỗ hoặc lân cận. Như dự án cải tạo môi trường nước giai đoạn 3 có 5.800 căn nhà phải di dời trên địa bàn các quận 4, 7, 8. Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND quận 8 xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu TĐC tại chỗ cho dân. Chúng tôi không máy móc đưa dân về TĐC tại khu Vĩnh Lộc B mặc dù quỹ nhà tại dự án này còn nhiều.
Sẽ có đề án tư vấn cho dân
. Người dân TĐC tại chung cư Tân Mỹ và An Sương đang rất khó khăn để mưu sinh. Vấn đề này phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
+ Theo tôi, đã đến lúc TP phải giải quyết chuyện này song song với chương trình di dời, giải tỏa nhà ở ven và trên kênh rạch. Muốn vậy, các địa phương phải theo dõi, nắm bắt đời sống của người dân hiện như thế nào, khả năng trả nợ đến đâu, họ còn ở đó hay là đã bán đi nơi khác sinh sống... Từ thực tế ghi nhận được, quận/huyện phải kiến nghị TP có giải pháp chứ không thể né tránh được.
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng đúng là có một số lượng lớn người dân TĐC nợ tiền nhà. Đây cũng là một thực tế mà cả hệ thống chính trị cần nghiên cứu để có chính sách, giải pháp phù hợp.
. Thời gian qua, nếu chính quyền quan tâm hơn đến cuộc sống của người dân sau khi di dời, có lẽ đã không xảy ra những thực tế đáng buồn như đã nêu trên. Nhà nước không thể dài tay lo từng miếng cơm, manh áo hằng ngày cho dân nhưng phải có trách nhiệm tư vấn, dẫn dắt, định hướng cho họ…
+ Phương án bồi thường, TĐC bao giờ cũng đi kèm với việc hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho dân. Nhưng điều này thời gian qua chưa được thực hiện triệt để.
Tới đây, khi thực hiện công tác bồi thường, TĐC, ngoài vấn đề giải quyết nhà ở thì cần chú trọng công tác tư vấn cho hộ gia đình, cá nhân về công ăn việc làm, về lối sống phù hợp khi chuyển sang một môi trường mới. Việc tư vấn phải được làm thường xuyên và có đề án hẳn hoi. Đây phải là một khâu bắt buộc trong phương án bồi thường chứ không thể nơi làm nơi không.
. Xin cám ơn ông.
Kế hoạch di dời 10.000 căn nhà ven và trên kênh Trong giai đoạn 2016-2020 TP.HCM sẽ di dời, giải tỏa 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn các quận 4, 8, Bình Thạnh. - Trước hết, ưu tiên tiếp tục thực hiện các dự án còn lại của chương trình di dời, TĐC nhà trên và ven kênh rạch của giai đoạn 2010-2015. Giải quyết dứt điểm những tuyến kênh, rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, Công viên hồ Khánh Hội. Quy mô giải tỏa khoảng 530 căn. - Tiếp đến sẽ thực hiện các dự án thuộc danh mục huy động vốn ODA như tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3, di dời khoảng 5.800 căn. - Cuối cùng là những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập, úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như các tuyến rạch Hàng Bàng, Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm, Bàu Trâu. Quy mô giải tỏa khoảng 4.000 căn. _______________________________ 9.100 tỉ đồng là tổng kinh phí bồi thường để giải tỏa, di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016-2020. |