Ngày 7-10, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM tổ chức hội thảo về quản lý xây dựng chỉnh trang đô thị TP.HCM. Tại hội thảo, đa phần các đại biểu đều cho rằng để thực hiện được việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo xây dựng chung cư cũ, TP.HCM cần phải có một cơ chế đặc thù mới có thể đẩy nhanh được tiến độ.
Tiền bồi thường thấp, không giải tỏa được
Hiện trên địa bàn TP.HCM có hàng ngàn căn nhà ven và trên kênh rạch như ở quận 4, 7, 8… và việc giải tỏa gặp vướng mắc về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, quận 4 có hơn 1.000 căn nhà ở ven và trên kênh rạch và 44 chung cư hư hỏng được xây dựng trước năm 1975. “Đa phần các chung cư cũ hoặc nhà trên kênh rạch có diện tích nhỏ, giá trị bồi thường thấp nên người dân không đủ để tái lập nơi ở mới. Do đó, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng” - ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, cho hay.
Đặc biệt, nhà ở trên và ven kênh rạch phần lớn là lấn chiếm, diện tích nhỏ, số người ở đông song giá trị bồi thường rất thấp. Theo ông Quân, trong các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị ở quận đa số là nhà ở ven và trên kênh rạch như dự án Công viên Khánh Hội, chỉnh trang rạch Cầu Kiệu, rạch Cầu Dừa…
Theo Quyết định 23/2015 của UBND TP, những trường hợp lấn chiếm rạch vẫn còn chức năng tiêu thoát nước thì buộc khôi phục lại rạch và chỉ xem xét hỗ trợ theo diện nhà ở, công trình không hợp pháp trên kênh, sông, rạch. Do không được bồi thường về đất nên các trường hợp nêu trên chỉ có giá trị bồi thường trên dưới 100 triệu đồng/căn. “Theo quy định cũ, những trường hợp trên sẽ được bồi thường, hỗ trợ về đất nhưng hiện nay thì không được áp dụng nữa. Việc chỉ hỗ trợ về nhà ở thôi dẫn đến người dân không đồng thuận, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Do vậy, quận 4 đề xuất cơ chế đặc biệt trong bồi thường là phải hỗ trợ thêm 30% giá trị bồi thường về đất để tạo sự đồng thuận” - ông Quân nói.
Những căn nhà lụp xụp nằm ven và trên kênh ở quận 8 nhìn từ cầu Chánh Hưng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đặc thù về thu ngân sách
Một trong những vấn đề lớn của chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị chính là nguồn lực tài chính để thực hiện. TS Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, cho hay để thực hiện được chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị cần phải có nguồn tiền rất lớn. Riêng việc di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch có thể lên tới 26.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến việc cải tạo xây dựng 474 chung cư cũ, xây dựng hạ tầng đồng bộ trong khu dân cư chỉnh trang có quy mô hơn 225 ha và phát triển các khu đô thị mới.
Theo ông Quốc, TP nguồn lực chính để thực hiện chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị phải là nguồn vốn từ ngân sách hoặc ngân sách là vốn đối ứng tiên phong để huy động các nguồn lực khác.
Ông Quốc cũng cho rằng TP có thể tạo vốn từ nhiều nguồn như nguồn thu ngân sách; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xử lý, sắp xếp, bán hơn 12.000 nhà, đất; huy động từ các nguồn lực xã hội và vốn vay ODA. Trong đó, riêng việc cổ phần hóa 54 doanh nghiệp nhà nước đã có thể tạo hơn 35.000 tỉ đồng. “Nếu nhận diện được nguồn lực thì có thể huy động được hơn 1 triệu tỉ đồng. Nguồn lực TP đã có sẵn, tuy nhiên TP phải nhận diện được các nguồn lực này đồng thời trung ương cũng phải phân cấp cho TP những quyết sách trong việc sử dụng ngân sách và có cơ chế đặc thù thì TP sẽ không thua kém bất kỳ một đô thị lớn nào trong khu vực” - ông Quốc khẳng định.
Dài cổ chờ hướng dẫn “đặc thù” Theo ông Trần Hoàng Quân, chung cư cũ dột nát, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, mất trật tự… Tuy nhiên, hàng chục ngàn người dân phải đối mặt hằng ngày. Mặc dù Chính phủ đã chấp thuận chủ trương tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn những “đặc thù” về phân cấp, ủy quyền, quy hoạch, tái định cư trong vấn đề chỉnh trang đô thị. |