Ca sĩ Lệ Thu và Khánh Ly cùng hátTiếng slo Thiên Thai, sau khi hát cả hai cùng xin lỗi khán giả vì lâu lắm rồi cả hai người mới lại hát cùng bài này.
Tối 3-9, hơn 500 khách phủ kín khán phòng của Edensee Resort ở hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) trong đêm nhạc đầu tiên của Khánh Ly tại Đà Lạt kể từ năm 1975 đến nay.
Khánh Ly mở màn đêm nhạc bằng ca khúc Biết đâu nguồn cội để dẫn dắt khán giả về với kỷ niệm của chính cô với Đà Lạt. Sau ca khúc mở màn, Khánh Ly khéo léo bộc bạch ngay: “Xin cho phép Khánh Ly xưng hô là anh/chị hơn là quý vị, vì quý vị nghe xa cách quá. Nếu các anh/chị ở đây nghĩ tôi là ca sĩ thì sự xa cách càng lớn; anh chị và tôi sẽ gần gũi hơn vì ở đây, tối nay chúng ta có thể hát cùng nhau”.
Ca sĩ Khánh Ly trong áo dài lụa vàng cho những bản nhạc mở màn.
Khánh Ly kể câu chuyện của mình thuở là cô bé hơn 10 tuổi ở Đà Lạt, bỏ Đà Lạt đến Sài Gòn rồi trở lại, Đà Lạt cũng đón nhận cô trong năm năm.
“Tôi từng thất vọng khi trở về đây vì không tìm được ngày xưa, cảnh vật đã thay đổi theo thời gian nhưng tôi quên rằng chính mình cũng đã thay đổi theo thời gian. Từ đứa bé, đến con gái, đàn bà và giờ là bà lão đã hơn 70 tuổi. Tôi thay đổi thì trách chi cỏ cây, hoa lá thay đổi theo thời gian.
Tôi đã trách lầm Đà Lạt, chỉ là con người thay đổi thôi. Nhưng bây giờ đây, tôi được đứng lại ở hồ Tuyền Lâm này để được tìm lại mình 50 năm trước. Tôi không muốn ai thụt lùi, không thể sống mãi với kỷ niệm nhưng nếu Đà Lạt tiến thì tiến chậm thôi, chờ tôi với, để tôi vẫn còn tìm thấy Đà Lạt của mình. Tôi mong người Đà Lạt đón nhận tôi như 50 năm trước để tôi còn có dịp trở lại đây…”.
Ca sĩ Khánh Ly cám ơn ca sĩ Anh Khoa đã chịu đứng hát chung với người già như mình.
Có lẽ ca sĩ Khánh Ly đã đúng khi chọn cho chuyến trở về này bằng những đêm nhạc vừa phải, ấm cúng, không phải ở những sân khấu nhà hát với vài ngàn người. Bởi chỉ với không gian nhỏ, những tỉ tê của Khánh Ly mới có người nghe, chia sẻ và người nghe mới cảm nhận được đó là sự chia sẻ thật thà dẫu là khéo ăn khéo nói. Nếu những lời đó đặt trong những không gian rộng lớn, lời chia sẻ đôi khi cũng thành bông lơi.
Ca sĩ Lệ Thu trước khi hát đã xin lỗi khán giả vì chênh lệch múi giờ do vừa trở lại Việt Nam. Cô cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm với cái tên Lệ Thu và những bản nhạc tình, mùa thu:Thu hát cho người, Nước mắt mùa thu, Xin còn gọi tên nhau...
Chính từ sự đồng điệu giữa người hát và người nghe bằng những tâm tình như thế mà không ít lần Khánh Ly hát trật nhịp, sai lời, khán giả vẫn cổ vũ bằng những tràng pháo tay. Không ai khác mà chính ca sĩ như Khánh Ly ý thức rất rõ khán giả đến với mình vì điều gì.
“Sau 50 năm, các anh chị ngồi đây với tôi không phải vì tôi nhan sắc hay tài hơn xưa mà đến vì kỷ niệm. Chúng ta ngồi đây nhìn thấy một thời bên nhau hạnh phúc. Kỷ niệm thăng hoa cho đời sống dài thêm. Kỷ niệm không làm chúng ta no ấm nhưng để chúng ta yêu đời hơn. Và hôm nay kỷ niệm là những bài hát thuở thanh xuân của chúng ta” - ca sĩ Khánh Ly tâm tình.
Sau lời tâm sự đó, Khánh Ly hát “Cuồng phong cánh mỏi, về bên núi đợi/ Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay" từ ca khúc Chiếc lá thu phai làm đong đầy xúc cảm trong người nghe.
Khánh Ly chọn áo dài đen, họa tiết đơn giản khi hát những Ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Một buổi sáng mùa xuân, Người già em bé, Ca dao mẹ, Chờ nhìn quê hương sáng chói...
Không chỉ Khánh Ly, trong phần biểu diễn của ca sĩ Lệ Thu, Anh Khoa cũng có những lần nhịp chệch, lời nhầm nhưng rồi nghệ sĩ thì xin lỗi khán giả, khán giả cũng không quá khắt khe.
Đêm nhạc cứ thế trôi qua với hàng loạt ca khúc: Ngẫu nhiên, Khúc thụy du, Bài tình ca cho em, Xin còn gọi tên nhau, Nước mắt mùa thu, Tiếng sáo Thiên Thai, Một buổi sáng mùa xuân, Người già em bé, Ca dao mẹ, Bên đời hiu quạnh, Đời đá vàng, Quỳnh hương…
Khánh Ly đã khép lại đêm diễn sau 46 năm kể từ buổi diễn cuối cùng ở phòng trà của Lê Uyên Phương tại Đà Lạt bằng ca khúc Để gió cuốn đi.
Sau đêm Đà Lạt, tối 18-9, lần đầu tiên sau hơn 40 năm Khánh Ly sẽ hát tại Sài Gòn - TP.HCM. Có lẽ đây là chuyến trở về ý nghĩa nhất của Khánh Ly bởi không còn đâu ca sĩ này ước ao được hát mà không thực hiện được. Có chốn nào để lãnh nhận hạnh phúc cho đời một ca sĩ ngoài chính quê nhà, chính nơi làm nên con người, đời sống của mình…