UBND TP.HCM vừa chuyển cho Sở GTVT cùng Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP xem xét một đề xuất chống ngập theo công nghệ và phương thức thực hiện hoàn toàn mới của Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Công ty Quang Trung), một cái tên còn khá xa lạ trong lĩnh vực chống ngập ở Việt Nam.
Tự bỏ tiền chống được ngập mới tính tiền
Trong thư gửi Thành ủy và UBND TP, Công ty Quang Trung cho biết sau một thời gian theo dõi, nghiên cứu về tình trạng ngập úng ở TP.HCM, công ty muốn bỏ tiền đầu tư trước để chống ngập cho những khu vực thường xuyên bị ngập úng. Nếu thực hiện thành công, hiệu quả mới tính đến chuyện được thanh toán bằng tiền hoặc quỹ đất.
Theo công ty, ngập ở TP có nguyên nhân do triều cường và do mưa. Đối với tình trạng ngập do triều cường, TP đang đầu tư thực hiện các dự án ngăn triều và đê bao nên trong vài năm tới sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng do mưa ở khu vực nội thành hiện vẫn chưa có giải pháp căn bản. Ngập úng ở khu vực nội thành ở TP.HCM là do các cống thoát nước có đường kính nhỏ, tốc độ chảy chậm nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc cống bởi các loại rác, bùn đất… Do đó, dù hằng năm TP chi hàng ngàn tỉ đồng cho công tác nạo vét nhưng vẫn không giải quyết được bài toán tắc nghẽn cống thoát nước.
Dự kiến phương án chống ngập mới sẽ được thí điểm giải quyết ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: M.THANH
Công ty Quang Trung đề xuất phương án sử dụng một hệ thống thiết bị mới do công ty tự nghiên cứu, chế tạo. Hệ thống này sẽ giải quyết được bài toán tắc nghẽn cống thoát nước, giảm ngập hiệu quả. “Chi phí đầu tư thấp, tiến độ triển khai nhanh và hiệu quả tức thì. Mỗi lần ngập nặng chi phí nguyên liệu để vận hành hệ thống không quá 5 triệu đồng” - đại diện công ty cam kết.
“Có thể áp dụng để chống ngập”
PV liên hệ với Công ty Quang Trung và gửi một số câu hỏi về cách thức vận hành hệ thống chống ngập mới cũng như chi phí cụ thể cho việc đầu tư hệ thống này. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách truyền thông của công ty chỉ cho biết ban giám đốc công ty cam kết sẽ thực hiện đúng theo những nội dung đề xuất gửi cho Thành ủy và UBND TP. “Hiện phía TP chưa có trả lời cụ thể nên công ty muốn giữ bí mật về công nghệ. Do đó, chưa thể cung cấp thông tin” - vị này bày tỏ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết phương án do Công ty Quang Trung đề xuất có tính khả thi. Ông Công giải thích: “Trong phương thức của Công ty Quang Trung đề xuất thực hiện có công đoạn dùng hệ thống máy bơm lắp đặt ngay trong hầm ga. Khi xảy ra mưa lớn, hệ thống này sẽ vận hành, không để xảy ra tình trạng ngập nghẹt…”.
Theo ông Công, trước mắt có thể sử dụng công nghệ này để chống ngập cho những điểm ngập nặng của TP, đơn cử như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Nếu thực hiện thí điểm thành công mới tính đến phương án triển khai trên diện rộng.
40 tuyến đường ở TP.HCM ngập khi mưa Theo Trung tâm Chống ngập, qua theo dõi 678 trục đường chính ở TP.HCM cho thấy trong năm 2016 có khả năng xảy ra ngập ở 40 tuyến đường. Trong đó, các trận mưa có vũ lượng nhỏ hơn 50 mm cũng có thể gây ngập cho 23 tuyến đường gồm: Mai Thị Lựu, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư, Tân Hương, Mai Hắc Đế, Lê Thành Phương, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Công Định, Bàu Cát, Ba Vân, An Dương Vương, quốc lộ 13, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Tân Quý, Lưu Hữu Phước 2, Mễ Cốc 2, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm. Nếu mưa lớn hơn 50 mm có thể gây ngập thêm 17 tuyến đường khác gồm quốc lộ 13, Phan Anh, Bạch Đằng, Lương Định Của, Lê Đức Thọ, quốc lộ 1, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp, Lương Văn Can, Gò Dưa, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Hậu Giang. |