Chủ tịch UBND TP.HCM: ‘Tình trạng ngập nhức nhối lắm’

Sáng 29-8, cuộc họp kinh tế-xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TP.HCM nóng với vấn đề chống ngập nước.

Triều cường không cao, sao vẫn ngập?

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự nóng ruột về tình trạng ngập nước trên địa bàn TP, nhất là đợt mưa trong các ngày 26 và 27-8. “Triều cường không cao, nước kênh Nhiêu Lộc hôm đó không lớn, tại sao đường Phan Xích Long, Nơ Trang Long, rồi cả khu vực quận Tân Bình lại ngập? Giở báo ra đọc ý kiến phản hồi của người dân mà thấy nhức nhối” - ông Phong nói và đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP: “Không biết anh Công có đọc không?”.

Ông Phong cho rằng tình trạng ngập nước không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giao thông đô thị…, cần phải có tính toán xử lý cụ thể để người dân bớt khổ. “Tại sao sự cố gắng của chúng ta từ đầu năm tới giờ vẫn để xảy ra tình trạng như vậy, nguyên nhân từ đâu? Phải có giải pháp chứ từ giờ tới cuối năm vẫn tiếp tục mùa mưa. Tình hình ngập nhức nhối lắm” - ông Phong nhấn mạnh.

Dẫn chứng việc tầng hầm để xe của nhiều tòa nhà trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) trở thành hồ chứa nước chỉ sau một trận mưa, ông Phong truy hỏi trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước. “Tôi hỏi lãnh đạo quận có người nào của Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP ở đó khi nước ngập không. Lãnh đạo quận trả lời không thấy. Mưa đợt này, triều cường không cao mà vẫn ngập như vậy. Chuyện này anh Công phải báo cáo” - ông Phong yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp kinh tế-xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2016 sáng 29-8. Ảnh: TÁ LÂM

Ngập do rác bít, kênh nghẹt?

Giải trình trước cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết lý do nước ngập trút vào nhà dân trên đường Phan Xích Long là do nước trên mặt đường thoát không kịp. Nước thoát không kịp là do rác bít một số cửa xả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ông Công cho rằng cơn mưa chiều tối 26-8 cũng làm ngập đường Trường Sơn (trước sân bay Tân Sơn Nhất) là điều rất hiếm hoi vì hệ thống thoát nước của tuyến đường này rất tốt. “Qua khảo sát thì phát hiện miệng thu nước thấp (chỉ 10 cm) lại hẹp. Chúng tôi kiến nghị Sở GTVT TP điều chỉnh lại” - ông Công nói.

Riêng đối với tình trạng tái ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Công cho rằng đang gặp khó ở vấn đề thoát nước. Hiện tại các kênh A41, Hy vọng và Nhật Bản đảm nhiệm vai trò thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, kênh A41 bị lấn chiếm, xả rác nhiều năm nay làm nghẽn dòng chảy vẫn chưa được xử lý.

Theo ông Công, dự án nạo vét, cải tạo kênh A41 do quận Tân Bình làm chủ đầu tư nhưng dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. “Trung tâm kiến nghị UBND TP chỉ đạo quận Tân Bình giải quyết sớm việc giải phóng mặt bằng, cố gắng hoàn thành dự án trong năm 2017. Mưa là ngập đến trạm điện trong sân bay, rất nguy hiểm. Cụm cảng hàng không đã nhiều lần kiến nghị việc này” - ông Công nói.

Còn đối với kênh Hy vọng, ông Công khẳng định hiện tại đã đảm bảo thoát nước, tuy nhiên cần phải được mở rộng để giải cứu cho hướng thoát nước bên kênh A41. Còn kênh Nhật Bản đang được nâng cấp, cải tạo và dự kiến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành. “Hiện nay, Trung tâm Chống ngập thống kê có 255 trường hợp lấn chiếm hầm ga, xây nhà đè trên cống, lấn chiếm kênh rạch… Theo kế hoạch đến ngày 15-9, Sở GTVT TP sẽ có báo cáo tổng hợp, tham mưu UBND TP xử lý dứt điểm. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập” - ông Công nói.

“Lệnh” bốn cấp phó đi chống ngập

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết cơn mưa lớn chiều 26-8 đã gây ngập lớn dù không có triều cường là do hệ thống thoát nước bị quá tải. “Sau hai giờ, lượng mưa đã đạt 87-159 mm. Trong khi đó đối chiếu với hệ thống thoát nước TP, tính theo chu kỳ ba giờ, hệ thống cống cấp 3, 4 chịu lượng mưa 75,88 mm, còn hệ thống kênh mương là 95,91 mm. Rõ ràng là vượt quá năng lực thoát nước nên trong một số thời điểm bị ngập cục bộ. Đặc biệt, theo quy hoạch TP sẽ xây dựng 6.000 km cống thoát nước nhưng hiện nay chỉ được 2.593 km (đạt 43%) cũng khiến việc thoát nước hạn chế” - ông Cường lý giải.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu từ nay đến tháng 9-2016, Văn phòng UBND TP phải xếp lịch cho tất cả thành viên Thường trực UBND TP đi chống ngập, trừ Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu (phụ trách mảng văn hóa-xã hội) bận nhiều việc vì chuẩn bị cho năm học mới.

Ông Phong cho biết bản thân ông và các phó chủ tịch còn lại gồm các ông Lê Văn Khoa, Trần Vĩnh Tuyến, Huỳnh Cách Mạng và Lê Thanh Liêm đều phải đi cơ sở, làm việc với các quận, huyện còn có tình trạng lấn chiếm công trình chống ngập dẫn tới ngập nghiêm trọng để trực tiếp chỉ đạo tìm hướng tháo gỡ giải quyết.

“Sau chỉ đạo ngày hôm nay, tôi yêu cầu phải tạo được chuyển biến thật sự. Không thể tiếp diễn tình trạng như thời gian qua, suốt mấy tháng trời đọc báo cáo vẫn thấy 9/68 cửa xả bị lấn chiếm, không có vị trí nào được giải quyết hết” - ông Phong yêu cầu.

Chưa phát hiện tiêu cực trong các công trình chống ngập

Tại cuộc họp báo về kinh tế-xã hội trưa cùng ngày (29-8), trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh việc có tiêu cực hay không các công trình chống ngập, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công khẳng định không có tiêu cực trong các công trình chống ngập.

Nhận định thêm về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho rằng hơn 10 năm nay công tác chống ngập vẫn cực kỳ khó khăn. “Nguồn lực của ta có hạn, ta chỉ bố trí từng bước, nguồn lực huy động bên ngoài cũng phải theo kế hoạch. Riêng vấn đề điều phối thì chúng ta làm chưa tốt, chưa thành công” - ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng khẳng định đến giờ này chưa phát hiện tiêu cực trong các dự án chống ngập. “Nói đúng hơn là ta chưa nhìn ra có tình trạng tiêu cực. Còn bên trong thế nào thì tùy từng dự án công trình để có kiểm tra, giám sát cụ thể chứ hiện tại chưa thể đưa ra nhận xét” - ông Hoan lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm