Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt các thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, khi lực lượng công an vào cuộc xác minh, đây chỉ là những tin đồn thất thiệt, nhiều trường hợp tung tin chỉ để câu like.
Mới đây nhất, Đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An xác nhận clip về việc một học sinh kể lại chuyện bị bắt cóc hụt là không đúng sự thực. Người tung clip lên mạng là một cô giáo tên MH nhằm câu like trên Facebook. Hiện cô giáo này đang bị xem xét xử phạt hành chính.
Trước đó tại Hà Nội, hàng loạt tài khoản Facebook cũng đăng tải các thông tin về việc trẻ em bị bắt cóc ngay giữa ban ngày. Thế nhưng lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội cho biết đây chỉ là những tin đồn thất thiệt, hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh các chủ tài khoản này.
Cũng dùng chiêu trò này để thu hút người xem, một tài khoản Facebook khác đăng tải thông tin về một vụ bắt cóc xảy ra trên địa bàn quận Tân Bình (TP.HCM), vụ việc nhanh chóng gây hoang mang cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an TP.HCM cho hay đây chỉ là những thông tin không có thực.
Một tài khoản Facebook đăng tải thông tin về việc bắt cóc trẻ em
Trước việc liên tiếp xuất hiện các thông tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng dưới góc độ pháp lý, hành vi tung tin đồn thất thiệt của chủ sử dụng các tài khoản Facebook nói trên không những vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn gián tiếp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gây hoang mang dư luận, làm mất niềm tin vào trị an, trật tự công cộng, vào mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể, căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 3 Điều 634 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, các đối tượng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Ngoài vấn đề pháp lý như đã nêu, có thể thấy việc đưa tin không chính xác, tung tin đồn thất thiệt chỉ để câu “like”, câu “view” hoặc vì một số động cơ bất chính khác đã không còn là chuyện lạ trên môi trường mạng. Sự thụ động trong tiếp nhận thông tin cùng với tư duy phân tích thiếu sắc bén của một bộ phận cộng đồng mạng đã vô tình thúc đẩy sự phát triển của các trang mạng xã hội, các blog cá nhân, các diễn đàn điện tử với nội dung không chính thống, sai sự thật.