Đề xuất siết nhậu đêm cũng như giới hạn giờ hoạt động của các khu hoạt động vui chơi giải trí mới đây khiến bài toán quy hoạch những khu phố đêm cho các đô thị Việt Nam (VN) được bàn bạc trở lại. “Chính bản sắc và các kịch bản hoạt động là phần hồn sẽ chi phối toàn bộ phần xác là phần thiết kế công trình chức năng và thiết kế khu vực phố đêm. Phố sách bên hông Bưu điện TP là một minh chứng thành công cho nhận định này” - TS-kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Phương Nga nói.
Có thể quy hoạch nhiều phố đêm giàu bản sắc cho TP.HCM
. Phóng viên: Ở các nước phát triển, các khu phố đêm thường được quy hoạch từ các con phố cổ sẵn có. Còn với điều kiện kiến trúc hiện nay ở nước ta chưa có những con phố thực sự là phố cổ, nhất là ở TP.HCM thì ta nên bắt đầu từ đâu, thưa bà?
+ TS-KTS Nguyễn Phương Nga: Theo tôi, quan trọng nhất không phải là quy hoạch phố đêm từ đâu mà là quy hoạch như thế nào. Ở một số TP hiện đại trên thế giới dù không có những khu phố cổ, những khu vực kiến trúc hấp dẫn nhưng người ta vẫn xây dựng được không gian dành cho các hoạt động về đêm rất thành công và giàu bản sắc. Đó là tại những khu phố hiện hữu trong khu dân cư, những con phố cạnh những trung tâm thương mại lớn, những con đường trong những khu parkland của TP hay trong công viên nhỏ của khu nhà ở hoặc tại những khu nhà máy hay kho bãi tạm thời bỏ hoang... Điều này chứng tỏ nếu chúng ta có những ý tưởng tốt thì mảnh đất nào cũng có thể là tiềm năng để ý tưởng đó nảy mầm.
. Đà Nẵng đang triển khai dự án “Phố đêm sông Hàn”. Bà nghĩ TP.HCM có thể học hỏi gì từ dự án này?
+ Về quỹ không gian cảnh quan ven sông, TP.HCM không hề thua kém một TP nào, tuy nhiên khai thác quỹ không gian này như thế nào cho hiệu quả, không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cảnh quan sông nước tự nhiên, lại đáp ứng tối đa cho nhu cầu của cộng đồng chính là câu hỏi đặt ra cho TP.HCM trước bài học dự án “Phố đêm sông Hàn” của Đà Nẵng.
Thời tiết TP.HCM lý tưởng cho phố đêm
. Bà nhận thấy quy hoạch phố đêm ở TP.HCM có những đặc trưng riêng gì cần lưu ý?
+ Ở TP.HCM, dù về điều kiện kiến trúc và tự nhiên không phải là quá ưu thế nhưng tôi thấy có một yếu tố rất nổi trội để có thể khuyến khích và phát triển các hoạt động sôi động về đêm, đó là thời tiết. Từ khoảng chiều tối tới đêm là thời gian dễ chịu nhất trong ngày ở TP này, là cơ hội quý báu để người TP nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí để cân bằng và tái tạo năng lượng sau một ngày hoạt động nóng bức, mệt mỏi. Do vậy, TP.HCM hoàn toàn có tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch, thương mại, ẩm thực về đêm nếu có những sự hỗ trợ về hạ tầng và quản lý. Và trên thực tế, TP.HCM đang có rất nhiều chợ đêm hoạt động theo mô hình này, từ 5 giờ chiều đến nửa đêm, được khách du lịch rất hưởng ứng vì theo họ, thời tiết ban ngày quá nóng để mua sắm và những không gian thương mại về đêm cũng có những đặc trưng và độ tỏa sáng riêng.
Khu vực dành cho ẩm thực và mua sắm ban đêm bên hông chợ Bến Thành đang có những điều kiện lý tưởng để quy hoạch thành chợ đêm. Ảnh: HTD
Giao thông thuận tiện là điều kiện tiên quyết
. Xin bà phác thảo sơ nét diện mạo quy hoạch những khu phố đêm ở các đô thị lớn của VN với thiết kế quy hoạch ra sao?
+ Về mặt tổng thể, một khu phố đêm cần được tổ chức tại những nơi kết nối về mặt giao thông tốt, thuận tiện về giao thông công cộng và parking. Đi bộ cần phải là cách thức di chuyển duy nhất trong khu vực để đảm bảo sự an toàn, yên tĩnh cũng như tiện nghi cho mọi hoạt động khác, do vậy yêu cầu về kết nối giao thông công cộng tốt hoặc có khu đỗ xe thuận tiện là điều kiện tiên quyết để thuyết phục người dân và du khách đến với khu vực.
. Ngoài đáp ứng điều kiện giao thông còn cần lưu ý những điều kiện nào khác, thưa bà?
+ Về mặt vị trí, nếu gần được các điểm đến hấp dẫn của TP là một lợi thế về mặt thu hút khách du lịch. Có thể phân tầng và cấp độ phục vụ của phố đêm như cấp đô thị, cấp khu vực, cấp cộng đồng dân cư để quy hoạch tổng thể mạng lưới vị trí của phố đêm phù hợp với tiềm năng quỹ đất và nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Về thiết kế chi tiết, để định hình và phát triển một khu phố đêm, theo tôi quan trọng nhất là lên được ý tưởng tổng thể về bản sắc con phố và các kịch bản hoạt động theo các lịch trình và các mốc thời gian cụ thể. Như tôi đã nói ở trên, không quan trọng chúng ta làm ở đâu mà là làm như thế nào để khu phố đêm đó có sức hấp dẫn, có thể lôi kéo du khách và người dân bản địa, đồng thời tạo sức sống và bản sắc cho cuộc sống đô thị về đêm.
Cái hồn chính là bản sắc riêng và sự ấm áp
. “Làm như thế nào” phụ thuộc vào ý tưởng tổng thể và kịch bản hoạt động tốt. Theo bà, ý tưởng và kịch bản nên như thế nào?
+ Đó là những ý tưởng và kịch bản đảm bảo cho mỗi con phố đêm hay chợ đêm sẽ trở thành một điểm đến đặc trưng cho TP. Khi đó sẽ có những trang web chuyên cập nhật những sự kiện, những hoạt động thú vị của những khu vực này để khách du lịch có thể theo dõi và đăng ký hành trình kịp thời để tham gia. Có thể có những con phố chuyên bán hàng thủ công truyền thống VN và trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, có nơi thì bán đồ cổ, đồ xưa, đồ “vintage” và các đồ cũ có giá trị… tùy vào ý tưởng và mong muốn của cả người tổ chức lẫn du khách.
. Bà nghĩ ta cần lưu ý những hạng mục công trình gì trong tổng thể đó?
+ Các công trình chức năng phục vụ cho phố đêm có thể chia làm nhiều nhóm: nhóm hạ tầng tiện ích như nhà vệ sinh, điểm thông tin chỉ dẫn, ghế ngồi, chòi nghỉ, điểm vui chơi cho trẻ con, cây xanh, biển báo…; nhóm thương mại ẩm thực như các kiốt bán hàng, nhà hàng, quán cà phê; nhóm nghệ thuật như các công trình nghệ thuật công cộng, sân khấu hay không gian biểu diễn nghệ thuật, không gian cho các hoạt động nghệ thuật đường phố. Quan trọng nhất khi thiết kế những nhóm công trình này là sự gần gũi thân thiện với du khách, dù hoành tráng hay giản dị vẫn phải tạo được cảm giác ấm áp, gần gũi, thoải mái như đang ở một nơi quen thuộc. Điều này muốn có được lại cần sử dụng những thủ pháp thiết kế đô thị về tỉ lệ, thị giác, ánh sáng, chất cảm vật liệu… ở mức độ chi tiết hơn.
. Xin cám ơn bà.
Thanh lọc dần sẽ hiện ra quy hoạch Quy định hiện hành đặt ra quy định về điều kiện kinh doanh rượu. Quán nào muốn bán rượu thì phải đáp ứng khá nhiều điều kiện rồi mới được cấp phép. Ví dụ điều kiện về mặt bằng là để quán không thể lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Điều kiện về an ninh trật tự là để chủ quán có ý thức và trách nhiệm không để xảy ra đánh nhau trong khi nhậu. Điều kiện về an toàn thực phẩm là cần thiết, để hạn chế hậu quả như ngộ độc rượu hay ngộ độc từ đồ nhắm. Đặt ra vấn đề quy hoạch và điều kiện cấp phép, ắt hẳn sẽ có nhiều điểm kinh doanh phản đối nhưng phải nhìn thấy lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội là lớn hơn và cần được ưu tiên hơn. Cần nghiêm túc kiểm tra, xử phạt, những điểm kinh doanh rượu bia hiện hữu mà lấn chiếm vỉa hè, không đủ diện tích để kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm... thì phải bị phạt và dần tiến tới rút giấy phép. Các điểm kinh doanh rượu bia khác nếu bị cư dân xung quanh phản ánh là gây ồn ào, gây ảnh hưởng xấu thì phải dẹp. Các quán nhậu muốn tồn tại thì phải có mặt bằng rộng rãi hơn, khép kín hơn để không ảnh hưởng đến khu dân cư. Trên cơ sở bộ lọc này, TP sẽ có thể đưa ra các quy hoạch hợp tình, hợp lý, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cộng đồng. Ở những khu phố hiện hữu đã hình thành thói quen kinh doanh về đêm như phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1)... thì cần lấy ý kiến người dân trong khu vực xem cần thiết phải sửa đổi như thế nào, dần dần xây dựng thành một phố đêm có quy chế hoạt động lành mạnh, giảm thiểu tác động tiêu cực. Một cán bộ quản lý ở Sở Công Thương TP |