Du lịch Việt sẽ ‘lột xác’

TP.HCM vừa công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015. Năm nay đã có sự tham gia của ba hãng hàng không. Một số tuyến khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… vé máy bay giảm đến 65%. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành có các tour du lịch mức giảm 20%-40% so với giá tour bình thường để kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ giảm giá tour mà không tạo được nhiều giá trị gia tăng, không làm du lịch một cách bài bản… thì ngành du lịch vẫn khó phát triển.

Hàng không tham gia thôi chưa đủ

Ông Nguyễn Thế Vinh, Trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa năm 2015, cho biết chỉ số tiêu dùng về du lịch hiện nay ở mức thấp, người dân còn tâm lý tiết kiệm. Vì vậy cần đưa ra nhiều chương trình kích cầu để mọi người có điều kiện tiêu dùng sản phẩm du lịch nhiều hơn. Lợi ích chương trình mang lại đối với khách du lịch là giá tour thấp nhất.

Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết năm 2014 khi thực hiện chương trình kích cầu du lịch thì các DN cũng gặp khó khăn vì sự hưởng ứng từ các địa phương khác vẫn còn hạn chế. Có những nơi giá dịch vụ và phí tham quan tăng nhưng họ không thông báo cho DN lữ hành, trong khi đó các DN đã bán tour cho khách với mức phí tham quan chưa tăng.

Một số DN cho rằng họ phải giảm lợi nhuận, thậm chí có những tour phải chấp nhận lỗ do giá các dịch vụ (nhất là vận chuyển) không giảm dù giá xăng dầu giảm sâu. Một số hãng hàng không tung ra giá vé rẻ hơn giá trong chương trình kích cầu nên DN chưa khai thác hiệu quả từ sự hợp tác này…

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nếu các nhà cung ứng dịch vụ riêng rẽ cùng tham gia thì chương trình kích cầu mới có hiệu quả.

 
Nếu các DN cùng liên kết với nhau tạo nên sản phẩm du lịch giá rẻ, chất lượng dịch vụ theo chuẩn sẽ thu hút nhiều du khách và DN cũng có lợi. Trong ảnh: Các du khách đang tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: TÚ UYÊN

Mạnh ai nấy làm: Khó phát huy

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cũng thừa nhận những hiệu quả mà chương trình mang lại. Tuy nhiên, một trong những yếu kém của du lịch Việt Nam là mạnh ai nấy làm. Các cơ sở dịch vụ thường có sự phân biệt đối xử giữa DN nhỏ và DN lớn. Các hãng lữ hành thiếu đoàn kết, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các tour đều có khuyến mãi nhưng mỗi DN làm sản phẩm khác nhau, khác về giá, không có sự thống nhất về chất lượng, dịch vụ… Việt Nam có nhiều lễ hội, mỗi địa phương tổ chức đơn lẻ, thiếu quảng bá, thiếu chính sách chung của ngành để kết nối tất cả các sự kiện, các cơ quan xúc tiến du lịch. Ở thị trường nước ngoài, tham tán thương mại các nước chưa phát huy được vai trò làm cầu nối tư vấn cho DN.

Còn ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhìn nhận đến nay chương trình kích cầu trải qua sáu năm nhưng chưa đủ để thuyết phục người tiêu dùng. Người dân quan tâm giá thành nên giá tour ở đâu cũng giảm nhưng chất lượng giảm theo thì vẫn không thu hút du khách.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Chủ tịch HĐQT Masso Group, chia sẻ giảm giá kích cầu là những chiêu ngắn hạn để thu hút khách vì không tạo ra giá trị gia tăng. Trong khi làm marketing sản phẩm du lịch cần áp dụng ba trụ cột trong chuỗi giá trị. Đó là tạo ra sản phẩm du lịch tốt, thông tin giá trị sản phẩm đến khách hàng mục tiêu và thực thi giá trị đó.

Theo ông Thắng, du lịch Việt Nam chủ yếu khai thác thiên nhiên, bán những cái mình có chứ không bán cái du khách cần. Chẳng hạn Hạ Long là điểm đến có phong cảnh đẹp nhưng đến với Hạ Long nhìn ngắm rồi khách sẽ đi đâu, làm gì nữa? Nhưng đến Angkor (Campuchia), du khách không chỉ thăm Angkor Watt mà còn xem show diễn Smile of Angkor, đi chợ đêm... Chúng ta nói Việt Nam mang vẻ đẹp tiềm ẩn nhưng khi đến Việt Nam du khách trải nghiệm gì? Nạn “chặt chém”, nói thách, chèo kéo khách… là một trong những vấn nạn khiến du khách một đi không trở lại.

Dựa lưng nhau cùng tuyển khách

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng các DN cần dựa lưng lẫn nhau, đoàn kết mới đưa ra được những giá tour ổn định, chương trình chuẩn. Chẳng hạn một DN lớn nào đó đứng ra liên kết với một số DN khác lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ nào chuẩn nhất, giá cả có lợi nhất rồi cùng nhau tuyển khách. “Lâu nay DN tự bơi là chính, thiếu vai trò của Tổng cục Du lịch. Tổng cục cần kiến nghị các cơ quan chức năng giảm 50% thuế VAT, kéo dài thời gian nộp thuế… để hỗ trợ DN” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Văn Long, muốn du lịch phát triển lâu dài phải đầu tư con người. Tổng cục Du lịch tổ chức những hội thảo, ký kết giữa các tỉnh, thành, phải có sự tương tác của tất cả đối tượng liên quan. Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành cần có sự liên kết với ngành du lịch…

Singapore làm như thế nào?

Singapore không có lợi thế gì về sản phẩm để phát triển du lịch, tiềm năng du lịch Singapore không bằng Việt Nam nhưng họ marketing tốt và làm du lịch rất bài bản. Không có sản phẩm du lịch thiên nhiên, họ biết sáng tạo ra những sản phẩm nhân tạo (vịnh Marina, đảo Sentosa…).  Họ xác định rõ khách hàng mục tiêu, truyền thông nhất quán từ tổng cục, có chính sách tiếp thị rõ ràng, quan tâm khảo sát sự hài lòng của du khách…

Singapore không có chương trình kích cầu du lịch nhưng  họ có hoạt động thường niên để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới. Ví dụ cứ mỗi dịp Giáng sinh tại khu Orchad road trở thành thiên đường mua sắm giá rẻ. Từ năm 2015, khu này sẽ chọn một ngày cuối tuần trong tháng để làm khu phố đi bộ, lễ hội đường phố…

Tổng đài hỗ trợ khách du lịch

Mới đây Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và VNPT TP.HCM ra mắt tổng đài du lịch 1087. Tổng đài này sẽ cung cấp thông tin và sản phẩm du lịch 24/7 bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tư vấn các chương trình du lịch, hỗ trợ an ninh du lịch…

Sở Du lịch TP.HCM cho biết ngoài thông tin các danh lam thắng cảnh, tổng đài còn kết nối đến các đơn vị lữ hành đặt vé theo nhu cầu của khách. Khi gặp sự cố mất an toàn, du khách có thể gọi vào tổng đài để được hướng dẫn gặp cơ quan chức năng giúp đỡ hỗ trợ…

Kỹ năng cảm nhận nghề nghiệp người phục vụ du lịch Việt Nam còn yếu. Tại Nhật Bản, Thái Lan, người ta tiếp cận khách khác hơn, họ coi khách như người nhà, phục vụ như người thân, còn mình coi khách là nơi để thu tiền…

Một cán bộ Vụ Đào tạo-Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm