1
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức vào khoảng năm 1820 đã cho biết vào đầu thế kỷ 19 các trấn ở Nam Bộ đã là những trung tâm kinh tế sầm uất, cùng các thành là trung tâm hành chính thì nhà cửa, phố xá, bến chợ luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của một trấn. Sau đây là vài miêu tả trong phần Thành trì chí.
“Trấn Phiên An trước thành có phố chợ, nhà cửa rất trù mật... tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đi lại san sát. Phố Sài Gòn (Chợ Lớn) đường phố lớn, thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông... đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái, người Việt và người Trung Quốc cùng sinh sống... Hai bên nam - bắc bến sông không thứ gì là không có. Ngoài ra còn có các chợ khác cũng nổi tiếng như chợ Khung Dong (chợ Cây Da Còm), chợ Điều Khiển, phố chợ Lịch Tân (chợ Bến Sỏi), chợ Tân Kiểng...
Trấn Biên Hòa có phố lớn Nông Nại - cù lao Đại Phố, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm ba đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài. Kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội…
Trấn Định Tường có chợ và phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo.
Trấn Vĩnh Thanh có chợ Vĩnh Thanh, chợ Long Hồ, phố xá liền nhau, hàng hóa cả trăm món, dài đến 5 dặm, ghe thuyền đậu suốt bến, miếu thần, đình làng mọc lên, đờn ca náo nhiệt, là chợ phố lớn của trấn. Chợ Sa Đéc: Phố chợ nằm dọc theo bờ sông, mái nối mái liền nhau đối nhau san sát như vảy cá... trên bờ dưới sông có hàng trăm thứ hàng hóa tốt đẹp, nhìn ngợp mắt thỏa lòng, quả là chốn phồn hoa.
Trấn Hà Tiên: Đường sá giao nhau, phố xá nối liền. Người Việt, người Hoa, người Cao Miên, người Chà Và tụ họp chia ở, thuyền biển ghe sông qua lại như mắc cửi, thật là nơi đô hội góc biển vậy”.
Có thể nhận thấy thế kỷ 17 khi Chúa Nguyễn mở mang vùng đất Nam Bộ cũng là thời kỳ hoạt động ngoại thương ở khu vực Đông Nam Á sôi động. Ngoài thương cảng Hội An ở miền Trung nổi tiếng từ thế kỷ 16, các trung tâm thương cảng mới như Cù Lao Phố (Biên Hòa), Mỹ Tho, Hà Tiên cũng phát triển nhờ lợi thế của hệ thống giao thông đường thủy (cảng biển, sông rạch...). Sau khi được xây dựng vào năm 1790, thành Gia Định từ một trung tâm chính trị mau chóng trở thành một thương cảng lớn của Đàng Trong và trong khu vực Đông Nam Á.
Thế kỷ 19, Gia Định thành đã là một đô thị quan trọng sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân nhưng khác chức năng chính là trung tâm chính trị. Sài Gòn - Gia Định được nhìn nhận có một vai trò kinh tế quan trọng (thương nghiệp, xuất nhập khẩu, thủ công nghiệp) bên cạnh vai trò trung tâm chính trị - văn hóa của Đàng Trong.
Đường phố Sài Gòn năm 1915. (Nguồn: Wikipedia) |
2
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi “hạt” thành “tỉnh” (province) và chia Nam kỳ thành ba miền. Lúc này, Nam kỳ có tất cả 20 tỉnh, gồm: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa (bốn tỉnh miền Đông); Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc (chín tỉnh miền Trung); Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu (bảy tỉnh miền Tây). Ngoài ra còn có ba TP Sài Gòn, Chợ Lớn và Cap Saint Jacques tức Vũng Tàu, Côn Đảo không thuộc tỉnh nào. Năm 1905, xóa bỏ TP Cap Saint Jacques chuyển thành tỉnh Bà Rịa. Trụ sở của thống đốc Nam kỳ đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là dinh Gia Long).
Như vậy, từ cuối thế kỷ 19 trung tâm các tỉnh, TP ở Nam kỳ đã hình thành những đô thị hành chính, công trình tiêu biểu là “tòa bố” (dinh thự làm việc của chủ tỉnh - chef de province). Cùng với đó là quy hoạch đô thị theo kiểu phương Tây: Đường phố theo “ô bàn cờ”, vỉa hè trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng điện, nước, cống ngầm… Cảnh quan các đô thị Nam Bộ bên cạnh những ngôi nhà cổ truyền, các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống bắt đầu xuất hiện những kiến trúc mới như các tòa nhà công sở, nhà thờ, công trình văn hóa như rạp chiếu phim, rạp hát… Bên cạnh những ngôi biệt thự kiểu Pháp của công chức người Pháp là nhiều biệt thự kiến trúc kết hợp Đông Tây - được coi là một đặc trưng của tầng lớp khá giả ở Nam kỳ.
Đặc biệt, trong hồi ký của Paul Doumer (1857-1932, làm Toàn quyền Đông Dương 1897-1902) đã ghi nhận tính chất thương nghiệp sớm phát triển của Nam kỳ. “Một trong những cơ sở quan trọng nhất trong một làng ở Nam kỳ là cái chợ, ở Nam kỳ chưa có cái chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến (tức là nhà lồng chợ)... Làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên, đây không chỉ là do mong muốn làm đẹp làng mà người ta xây chợ, cũng không phải do muốn chỗ tốt hơn cho những người bán hàng. Muốn ngồi trong chợ thì phải trả tiền (thuế chợ) và do chợ An Nam có nhiều người mua bán nên làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn”.
Paul Doumer đi khắp Nam kỳ và nhận xét rằng trong thực tế (lúc bấy giờ) chỉ có hai TP ở Nam kỳ xứng với tên TP là Sài Gòn - TP hành chính, hàng hải và quân sự, do người Pháp mới tạo lập như một đô thị phương Tây; và Chợ Lớn - TP thương mại và công nghiệp đã tồn tại từ trước khi người Pháp tới. “Mọi hoạt động của Nam kỳ đều đổ dồn về hai TP trung tâm gần như nối liền với nhau này. Mặc dù tách biệt nhau về mặt hành chính, Sài Gòn và Chợ Lớn ngày càng gắn bó với nhau về mặt vật chất và trở thành một TP duy nhất”.
Từ khi khởi lập đến nay, vị trí của các đô thị Nam Bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đường biển và chế độ thủy triều… Từ những bến - chợ đã hình thành các thị tứ rồi phát triển thành cảng thị như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên… sau này có Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông lớn nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà là vào địa phận một TP lớn trung tâm một tỉnh. Có thể nói tính chất của đô thị Nam Bộ là “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những cảng thị (sông, biển) nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu, trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc, đa dạng của cư dân.
Cầu sở thú qua Thị Nghè năm 1963. Ảnh: Flickr |
3
Quá trình hình thành các đô thị ở Nam Bộ trải qua hai giai đọan.
Nửa đầu thế kỷ 19 là giai đoạn hoàn chỉnh các “thành trì” chính trị - quân sự có từ trước đó để trở thành các trung tâm hành chính - chính trị khi triều Nguyễn đã thiết lập chính quyền trên cả nước. Đô thị trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất lúc này ở Nam Bộ là Gia Định thành. Diện mạo các đô thị thời này chưa thoát khỏi cấu trúc đô thị phong kiến, từ các công trình xây dựng đến cấu trúc dân cư và đời sống đô thị.
Từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20: Các trung tâm hành chính - chính trị của nhà nước phong kiến chuyển biến dần thành các đô thị - TP kiểu châu Âu. Bộ máy chính quyền có sự thay đổi cơ cấu, tổ chức… từ đó diện mạo các đô thị cũng thay đổi theo việc xác định vị trí chức năng của nó. Từ cảnh quan đô thị đến hạ tầng cơ sở, từ cấu trúc kinh tế đến thành phần và nguồn gốc dân cư, sinh hoạt và đời sống đô thị có sự biến đổi rõ rệt. Việc hình thành tầng lớp thị dân tuy không quá tách biệt nhưng có lối sống tương đối khác biệt so với lối sống nông dân - nông thôn truyền thống.
Lịch sử vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ 17, 18 gắn liền với quá trình hình thành cư dân Nam Bộ. Quy tụ từ tứ xứ, từ nhiều nguồn gốc xuất thân, nhiều tộc người, lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau với hoàn cảnh, lý do khác nhau nhưng đều có một cách ứng xử chung với tự nhiên và xã hội. Đó là lối sống “thuận thiên”, linh hoạt trong hoạt động khai thác môi trường tự nhiên. Trong quan hệ xã hội là sự nhường nhịn, chia sẻ, luôn giúp đỡ nhau, mạnh dạn tiếp nhận những yếu tố kỹ thuật mới trong làm ăn kinh tế; cởi mở trong giao lưu văn hóa và lối sống… Tất cả đã làm cho các đô thị ở Nam Bộ thành một tập hợp đa dạng về kinh tế và văn hóa.
Vị trí cửa thành Gia Định (1836-1859) ngày nay là đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1. (Nguồn: Wikipedia) |
Những yếu tố này góp phần làm nhạt đi tính chất “chính trị” của một đô thị hành chính, đồng thời làm cho các đô thị ở Nam Bộ tuy vẫn là trung tâm của một vùng nông thôn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có sự lan tỏa và ảnh hưởng kinh tế - văn hóa đến những vùng xung quanh.
Một hiện tượng phổ biến tại Nam Bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là ở nhiều tỉnh có huyện Châu Thành, đó là đơn vị hành chính bao gồm hoặc ở sát đô thị trung tâm của tỉnh. Trong quá trình phát triển, huyện Châu Thành là nơi được “đô thị hóa” trước nhất và nhanh nhất. Hiện tượng này phần nào phản ánh ảnh hưởng lớn của đô thị với vùng nông thôn.
Phần lớn đô thị ở nước ta ra đời vào thời kỳ phong kiến là do nhà nước khi có nhu cầu lập kinh đô hay trung tâm tỉnh, thành thì tìm vị trí, xây dựng công sở, hình thành đô thị do nhà nước quản lý. Trong lịch sử, các kinh đô như Hoa Lư, Thăng Long, Phú Xuân... thường nặng chức năng hành chính và quân sự. Còn trung tâm hành chính của các trấn ở Nam Bộ từ thời Nguyễn đã là những đô thị sầm uất phát triển thương mại, gắn liền với đường sông và đường biển. Do vậy sự hình thành và phát triển các đô thị ở Nam Bộ có phần khác biệt so với các vùng, miền khác, đấy là những trung tâm hành chính - quân sự nhưng không thể thiếu yếu tố là trung tâm kinh tế và yếu tố này trong quá trình phát triển ngày càng nổi bật.
Với quá trình hình thành và những đặc điểm như vậy, các đô thị - TP ở Nam Bộ hiện nay còn lưu giữ nhiều di sản đô thị quý giá. Đó là cảnh quan đô thị được quy hoạch sớm và khá hoàn thiện, những công trình kiến trúc độc đáo, công trình công nghiệp, công trình dân sinh phản ánh thời kỳ thuộc địa. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên nét đặc trưng độc đáo, khai thác giá trị kinh tế của những di sản văn hóa của các đô thị ở Nam Bộ là một trong những cách tăng thêm nguồn vốn xã hội cho sự phát triển bền vững.