(Các thầy cô giáo tử tế, đừng tự ái vội!).
Đêm qua đọc câu chuyện kể của một GV về việc các giáo sinh bắt hàng loạt học trò lớp 3 ra đứng hành lang chỉ vì xin đi vệ sinh, xin đi uống nước, tôi đã buồn nẫu ruột.
Sáng nay, trên mặt báo lại tràn ngập tin cô giáo bắt HS uống nước giẻ lau bảng chỉ vì HS nói chuyện. Ồn ào mấy tuần nay là việc cô giáo tra tấn tinh thần HS bằng cách giữ bộ mặt đăm đăm, không nói không cười suốt mấy tháng trên lớp với HS.
Tôi không còn chút kiên nhẫn và cảm thông nào nổi nữa với các GV như vậy. Tôi tin những GV tử tế cũng không thể đồng tình với những hành vi phản sư phạm, xúc phạm nghiêm trọng thân thể và nhân phẩm của HS như vậy.
Làm ơn đừng nhân danh tình yêu thương học trò, mong muốn trẻ nên người mà trừng phạt trò bằng những cách thức ấy!
Có bao giờ các thầy cô giáo ấy hỏi học trò để biết các em muốn được “yêu thương” như thế?
Có bằng chứng nghiêm túc nào để chứng minh rằng những biện pháp gây tổn thương đó khiến HS trở thành người tốt hơn?
Đừng mang những kinh nghiệm cũ từ đời trước áp dụng vào thời này! Đừng dùng lý lẽ “ngày xưa bị đánh mắng nên nay mới nên người”!
Chẳng phải nhờ đánh mắng đâu, nhờ quý vị tự ý thức mà thay đổi mình đấy! Có bằng chứng nào để chứng tỏ nếu không bị đánh mắng thì quý vị sẽ không nên người không?
Cũng nói thêm, trong các hình thức bạo hành thì việc bỏ mặc, sao nhãng chăm sóc cũng được ghi nhận trong các văn bản luật. “Mặc xác học trò” cũng là một kiểu bạo hành kinh khủng, thậm chí kinh khủng hơn cả đánh mắng.
Làm ơn đừng viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, HS ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem HS như kẻ thù thế kia!
Ai gí súng vào đầu các thầy cô giáo ấy để bắt họ phải theo nghề? Hay vì họ sợ không có việc để làm, không có tiền để sinh sống, tiếc số tiền đã chạy chọt để vào biên chế nên dù ghét HS, ghét nghề giáo vẫn cố đeo?!
Quý vị cứ đọc quyển sách Người gieo hy vọng, Viết lên hy vọng của cô giáo Erin Gruwell và các học trò viết đi để thấy học trò Việt Nam còn chưa tới mức xách súng vào trường, bất cần, ngổ ngáo, quái đản cực đỉnh như học trò Mỹ. Thế mà cô Gruwell đã dùng tất cả tình thương và sự nỗ lực của cô để cải thiện được các em từng chút một.
Cũng không cần ngó đâu xa, cứ gặp vài đồng nghiệp tận tâm của mình là hiểu biện pháp giáo dục nào mới thực sự có hiệu quả lâu dài với học trò. Hãy tới dự giờ một buổi học của GV với trẻ đặc biệt để thấy đồng nghiệp của mình còn đối diện với những khó khăn tới mức nào mà họ vẫn kiên nhẫn và yêu thương HS.
Lời cuối cho các thầy cô giáo đang xem học trò như kẻ thù: Hãy dừng lại, hãy chuyển sang nghề khác!
Điều đó không chỉ tốt cho HS mà còn tốt cho chính các thầy cô giáo. Phải làm thứ mình không thích, phải đối mặt hằng ngày với người mình không yêu thương là đang tự đày đọa chính mình đấy!
Hãy cho chính mình một cơ hội và cho hàng trăm, hàng ngàn em HS có cơ hội được trải qua thời HS đẹp đẽ!