Không biết đấy là tin vui hay buồn cho VFF khi hợp đồng của HLV Miura còn đến tháng 4-2016 và khi nội bộ của VFF chia làm hai phe phái rõ rệt trong việc thích hay không thích thầy Nhật.
Nếu đúng là ông Miura về quê thì một vài người đặt bút ký hợp đồng với ông đã thất bại với mục tiêu nâng tầm bóng đá Việt Nam. Ngược lại, bầu Đức cũng là một phó chủ tịch VFF đã công khai nhiều lần nói sa thải HLV Miura thì bóng đá Việt Nam mới phát triển (!?).
Rõ ràng chỉ mỗi chuyện của ông Miura mà ngay cả những người nắm vận mệnh bóng đá nước nhà trong tay đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nó nói thay cho việc ở ngay trong nội bộ VFF đã không có một sự đồng thuận cao, đặc biệt là khi Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ nói ông và bầu Đức chẳng biết mức lương cho ông Miura (và HLV tuyển nữ Takashi) bao nhiêu cả.
HLV Miura đã nỗ lực nhưng rõ ràng là chưa phù hợp với bóng đá Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY
Giả sử HLV Miura về quê thì ông cũng chẳng có gì phải hối hận cả. Ai cũng thấy ông đã làm hết sức mình, từ chuyện nhỏ đi tìm mặt sân Viettel phẳng phiu hơn ở Trung tâm Đào tạo trẻ VFF cho đến việc nhồi thể lực, rồi cầm tay chỉ việc từng cầu thủ, hay đích thân mời các quân xanh sang Việt Nam đá giao hữu,…
Không ai từng nghe một học trò nào của ông Miura than phiền về thầy hoặc nói ông làm sai phương pháp cả. Điều đó chứng tỏ ông thầy người Nhật rất có trách nhiệm và hiểu rõ việc mình làm. Thậm chí ông cũng chưa từng làm phật lòng các quan chức VFF và các mục tiêu VFF chấp thuận trước đó đều đã hoàn thành. Ngay ở vòng chung kết U-23 châu Á, VFF đâu có mong gì thầy trò ông Miura vào tứ kết, còn chuyện ông đặt ra cái đích cao hơn để phấn đấu thì có gì sai?
Giả sử ông Miura về quê… thì chỉ có bóng đá Việt Nam thiệt thòi, khi cơ quan đầu não VFF suốt hơn 20 năm qua vẫn chưa thể trả lời câu hỏi của Tổng cục TDTT lẫn sự khát khao của giới hâm mộ: “Bao giờ thắng Thái Lan?”.