AFC đã thống nhất cho chủ nhà vòng chung kết U-23 châu Á Thái Lan thay sân kỷ niệm 700 năm Chiang Mai trùng tu không kịp tiến độ bằng sân Chang Arena của Buriram Utd. Chủ nhà vòng chung kết U-23 châu Á đã xong xuôi sân bãi với bốn sân chính… của bốn bảng đấu.
"Lâu đài sấm sét" hay còn gọi Chang Arena, nơi ghi dấu ấn đẹp của U-23 và tuyển Việt Nam.
Nếu như U-23 Việt Nam rơi vào bảng nào đó của bốn bảng đấu mà thi đấu tại Buriram, tức tại sân Chang Arena có lẽ là một điềm may mắn.
“Đấu trường Chang Arena” hay còn gọi “Lâu đài sấm sét” mang lại kỷ niệm đẹp cho các đội tuyển Việt Nam.
Trước khi vòng chung kết U-23 châu Á 2018 khai mạc ở Thường Châu (Trung Quốc), Thái Lan đã tổ chức giải M-150 Cup quy tụ sáu đội U-23 các nước. Trên sân Chang Arena đó, những Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng đã giúp U-23 Việt Nam đánh bại U-23 Thái Lan 2-1 trong trận tranh hạng ba của giải. Rồi sau đó thầy trò HLV Park Hang-seo tiếp tục sang Thường Châu, Trung Quốc chinh phục và hạ nhiều đối thủ lớn khác để có mặt ở trận chung kết U-23 châu Á.
Quang Hải từng trải nghiệm ở Chang Arena từ U-23 đến đội tuyển.
Rồi cũng chính Chang Arena ấy, tuyển Việt Nam đã đánh bại tuyển Thái Lan 1-0 ở King's Cup 2019.
“Lâu đài sấm sét” ấy là điềm may mắn của đội tuyển Việt Nam và U-23 Việt Nam.
Sau thời gian chạy đua với công việc nâng cấp các sân cho đúng chuẩn FIFA và AFC để Thái Lan tổ chức vòng chung kết U-23 châu Á, sân Chiang Mai kỷ niệm 700 năm, nơi từng diễn ra các môn thi đấu chính ở SEA Games 1995 đã không kịp tiến độ để AFC kiểm tra.
Cuối cùng Thái Lan đã lấy sân Chang Arena của Buriram thay thế và đã được AFC chấp nhận trong chuyến tổng thị sát gần đây.
Bốn sân chính của vòng chung kết U-23 Thái Lan gồm sân Rajamangla ở Bangkok, sân Thammasat ở Pathum Thani, sân Tinsulanonda ở Songkhla và sân Chang Arena ở Buriram. Mỗi sân chính còn có một sân phụ đủ chuẩn để lượt trận cuối cùng mỗi bảng hai trận đấu diễn ra cùng lúc.