Nga-Trung phản pháo chiến lược hạt nhân Mỹ

Phản ứng trước Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 4-2 đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ gạt bỏ “tâm lý chiến tranh lạnh” và có hành động “hạn chế” kho vũ khí hạt nhân của nước mình.

Nga, Trung Quốc lo ngại

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường trong buổi họp báo ngày 4-2 nhấn mạnh Mỹ nên “hiểu đúng về chiến lược của Trung Quốc, cũng như cần phải nhìn nhận nền quốc phòng và việc xây dựng quân đội của Trung Quốc dưới quan điểm khách quan”. Ông cũng cho biết Bắc Kinh luôn tuân thủ nguyên tắc “không nổ súng trước”, tức là sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân trừ khi bị một quốc gia hạt nhân khác tấn công trước. Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh luôn “hạn chế” trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân, chỉ ở mức “tối thiểu” để đảm bảo an ninh quốc gia.

Trước đó một ngày, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), tuyên bố NPR 2018 của Mỹ “rất nguy hiểm” và có thể dẫn tới một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới. Ông lo ngại Mỹ đang mở ra thời kỳ mà các quốc gia khác có khả năng bắt đầu điều chỉnh các nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân của mình. “Chiến lược của Mỹ nhằm phát triển các đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn, dễ sử dụng, làm giảm các trở ngại cho việc sử dụng và do đó làm tăng nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân với sự có mặt của các nước như Triều Tiên” - ông Slutsky nói.

Nghị sĩ Nga chỉ trích báo cáo mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố chứng minh rằng Washington thật sự đang mang tư tưởng xem Nga là mối đe dọa. Theo ông, cả hai cường quốc Nga, Mỹ cần phải tăng cường xúc tiến các cuộc đối thoại bình đẳng để thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao vốn luôn căng thẳng.

Máy bay ném bom hạt nhân siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ bay ngang biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Mỹ muốn tăng vũ khí hạt nhân

Tờ The Washington Post nhận định NPR 2018 đã chấm dứt các nỗ lực cắt giảm kích thước và quy mô vai trò của vũ khí hạt nhân trong các hoạch định quốc phòng của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. NPR 2018 cho rằng Mỹ cần vũ khí hạt nhân mới để ngăn chặn những vụ tấn công hạt nhân giới hạn cũng như trả đũa tương xứng bất kỳ vụ tấn công hạt nhân quy mô nhỏ nào. Văn kiện kêu gọi Mỹ điều chỉnh một số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm thành vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp. NPR cũng cho rằng Mỹ cần phát triển lại loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) có mang đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá chiến lược này có sự linh hoạt cao để đương đầu với đủ loại đe dọa trong thế kỷ 21. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng những điều chỉnh chiến lược hạt nhân đã chỉ ra được nhu cầu “nhìn trực diện vào thực tế” chứ không mãi nhìn thế giới “theo cách nước Mỹ mơ ước “.

“Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân của Mỹ thể hiện mong muốn sử dụng hạt nhân nhiều hơn, điều này vi phạm NPT (Hiệp ước Chống phổ biến hạt nhân) và đưa nhân loại đến gần hơn với diệt vong. Không bất ngờ gì khi đồng hồ ngày tận thế đang được đặt ở mức nguy hiểm nhất kể từ năm 1953 đến nay” - Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif ngày 2-3 đăng tải trên mạng xã hội Twitter chỉ trích chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Đồng hồ ngày tận thế là một đồng hồ mang tính biểu tượng về viễn cảnh thảm họa hạt nhân toàn cầu, được quản lý từ năm 1947 đến nay bởi Tổ chức Thông tin các nhà khoa học nguyên tử. Ngày 25-1 vừa qua, đồng hồ này được điều chỉnh cách tận thế chỉ hai phút.

___________________________

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc khi các giới hạn về “trường hợp khẩn cấp” cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong NPR 2018 của Mỹ là quá mờ nhạt, mở ra rủi ro lạm dụng hạt nhân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới