Nga và Crimea ký hiệp định sáp nhập

Ngày 18-3, tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin đã ký hiệp định sáp nhập nước Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol vào Liên bang Nga. Về phía Crimea và Sevastopol, cùng ký vào hiệp định có Thủ tướng Sergey Aksyonov, Chủ tịch Quốc hội Vladimir Konstantinov và Thị trưởng Alexei Chaly của Sevastopol.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Nga, Tổng thống Putin đã đề nghị Quốc hội thông qua luật đưa hai chủ thể mới Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol sáp nhập vào Nga. Ông nhấn mạnh Crimea đã và đang là một bộ phận không thể tách rời của Nga.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin văn phòng tổng thống Nga thông báo thời kỳ quá độ trong tiến trình Crimea sáp nhập vào Nga sẽ chấm dứt vào ngày 1-1-2015.

Tại Ukraine, Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao tạm quyền đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không thừa nhận nước Cộng hòa Crimea. Bộ Ngoại giao cũng lên án Nga sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để ủng hộ Crimea tuyên bố độc lập.

 Lễ ký kết hiệp định sáp nhập Cộng hòa Crimea và Sevastopol vào Nga ngày 18-3. Ảnh: AFP

Chưa đầy 24 giờ sau khi Crimea công bố kết quả trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, Nga đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt.

Ngày 18-3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thông báo các nước G8 đã nhất trí không cho Nga tham gia vào tổ chức này.

Cùng ngày, Nhật đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga bao gồm ngừng đàm phán với Nga về hiệp định đầu tư và cấp visa cũng như ngừng đàm phán về không gian, quân sự và đầu tư.

Canada đã công bố bảy cá nhân Nga và ba cá nhân Crimea bị cấm nhập cảnh vào Canada và bị phong tỏa tài sản. Trong số này có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cùng với Thủ tướng Sergey Aksyonov và Chủ tịch Quốc hội Vladimir Konstantinov của Crimea.

Tại Mỹ ngày 17-3, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh trừng phạt bảy cá nhân Nga và bốn cá nhân ở Ukraine. Danh sách trừng phạt do bộ trưởng Tài chính lập. Các đối tượng sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ.

Trong các cá nhân Ukraine có tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội của Crimea. Trong bảy cá nhân Nga có Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko, hai cố vấn tổng thống và ba nghị sĩ.

Gần như cùng lúc, EU công bố biện pháp trừng phạt tám nhà chính trị Crimea, 10 nghị sĩ Nga và ba sĩ quan quân đội Nga. Các cá nhân này sẽ bị tước visa và đóng băng tài sản.

Tám nhà chính trị Crimea gồm thủ tướng, chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thị trưởng Sevastopol, chỉ huy cơ quan an ninh, cố vấn chủ tịch Quốc hội và tư lệnh hải quân Ukraine Denis Berezovski...

DẠ THẢO

 

Ngày 20-3, hội nghị cấp cao EU sẽ tiếp tục quyết định các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. EU hy vọng Nga sẽ chấp thuận lập một nhóm điều phối quốc tế để tiến hành đàm phán giữa Nga với Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố Pháp dự kiến sẽ hủy hợp đồng bán hai tàu chiến Mistral cho Nga nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang. Năm 2011, Pháp đã ký hợp đồng bán tàu chiến Mistral trị giá hơn 1 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm