“Ngâm” án vì quá tải

Thực tế cũng có những vụ đơn giản tòa vẫn “ngâm” vì... làm không xuể, khiến đương sự chỉ biết thấp thỏm chờ.

Năm 1998, bà D., (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) được Tỉnh đội Kiên Giang cho thuê dài hạn 15 ha đất nông nghiệp. Năm 2001, sui gia của bà D. bảo trước đó có đưa cho bà D. 15 triệu đồng nhờ thuê giùm chín ha đất, nay yêu cầu bà D. phải giao lại đất. Về mặt chứng lý, bà sui không có gì chứng minh nhưng vẫn cho người đến cất nhà trên đất tranh chấp. Bà D. phản ứng, dỡ nhà. Bà sui cũng không vừa, nhiều lần phá bờ bao nuôi tôm, ngăn không cho bà D. canh tác. Vì thế, bà D. làm đơn kiện ra TAND huyện đòi bồi thường.

TAND huyện Kiên Lương đã thụ lý vụ kiện từ tháng 6-2006 nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xử khiến bà D. phải liên tục bỏ công ăn việc làm để lên lên xuống xuống tòa...

Trường hợp khác, tháng 6-2006, TAND huyện Phú Quốc thụ lý vụ ông S. kiện bà T. (chị dâu) đòi đất nhưng hơn một năm qua tòa vẫn chưa đưa vụ kiện ra xử. Trước đây, cha ông S. làm giấy giao cho vợ chồng bà T. 2.700 m2 đất canh tác để tạo thu nhập phụng sự hương hỏa. Sau khi cha và chồng bà T. mất, phía gia đình chồng bà T. đã tranh chấp phần đất này. Bà T. là bị đơn nhưng rất mong tòa sớm xét xử. Gia đình bà khó khăn nhưng tiếp tục canh tác không được mà thế chấp giấy tờ đất để vay vốn làm ăn cũng không xong...

Vì sao các tòa chậm giải quyết án? Theo tìm hiểu, các tòa đều than việc nhiều, người ít. Chẳng hạn theo ông Hồ Minh Nghĩa, Chánh án TAND huyện Phú Quốc, trong án dân sự, không riêng gì vụ việc của bà T., từ đầu năm đến nay tòa này mới giải quyết, xét xử được khoảng 50% số vụ bởi thiếu thẩm phán, thư ký tòa.

Quá tải là một vấn đề chung đã được nói đến từ lâu của các cơ quan bảo vệ pháp luật, không chỉ của riêng ngành tòa án. Tuy nhiên, cứ để tình trạng này kéo dài mà không có hướng khắc phục như tăng biên chế, tuyển thêm người... thì các tòa dù không muốn vẫn phải vi phạm tố tụng, đồng thời quyền lợi của người dân cũng bị thiệt thòi.

TẤN VẠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm