Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, là nơi thờ phụng thần linh Chúa Thiên Yana, còn là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa. Tháp thể hiện nền văn minh phát triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á, là sự giao thoa của hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Đại Việt vào văn hóa kiến trúc Chămpa.
Tháp Nhạn là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc. Mỗi một công trình kiến trúc Chămpa đều gắn với điêu khắc. Ngoài chức năng thẩm mỹ, công trình còn thể hiện sinh động ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hướng thiện, vươn lên làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú và đặc sắc. Qua các lần khảo cổ và hội thảo khoa học, quá trình tạo dựng tháp dự đoán được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị chất kết dính, chất kết dính là một loại keo được tinh chế từ một loài cây thực vật, có thể từ vỏ và lá cây dầu rái;
Bước 2: Đúc gạch theo khuôn định sẵn, nung lần 1. Đất sét được nhào trộn, ủ kỹ, có tỷ lệ cát theo quy định, được bảo dưỡng, đúc gạch và đem nung gạch vừa chín tới, còn độ xốp để dễ gia công và chạm trổ;
Bước 3: Gia công tinh và xếp gạch theo mô hình tháp được liên kết bằng chất kết dính; xếp tới đâu thì kết hợp chạm trổ, gọt dũa tới đó cho đến khi hoàn chỉnh toàn khối tháp;
Bước 4: Nung tháp, nung lần 2. Nung bằng củi, rơm rạ, trấu từ trên xuống dưới, cả trong lẫn ngoài, thời gian nung khá lâu vì tường dày cho tới khi gạch chín có màu đỏ sẫm từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới rồi gọt dũa hoàn thiện toàn bộ khối tháp.
Bốn bước trên đây chỉ là sự phỏng đoán, còn quá trình tạo dựng Tháp Nhạn vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp.