Ngày 12-4, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn giới thiệu tập sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn giới thiệu hành trình sống với nghệ thuật của anh từ những bức tranh sưu tập đầu tiên năm 1982.
Tác phẩm sơn mài Vườn Xuân của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1970 tại tư gia của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn.
Sách dày 400 trang là một phần bộ sưu tập của anh với các tác giả: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Đinh Cường, Nguyễn Trung…
“Hội hoạ tới với tôi là một cơ duyên để hôm nay tôi cảm ơn và gửi lời tri ân đến những người thầy, ba má, bạn bè, vợ, con… và hơn cả là những hoạ sĩ đã mất mà tôi đã từng gần gũi hoặc hiểu họ qua tác phẩm”, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ.
Một góc nhỏ các tác phẩm Bùi Xuân Phái trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn.
Theo lời của nhà sưu tập này thì anh đến với hội hoạ, tìm hiểu hội hoạ qua những quyển sách của hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng… Những bức tranh đầu tiên anh sưu tầm được với giá từ 50-100USD vào năm 1982; và từ đó đến nay, bộ sưu tập anh ngày càng đồ sộ với riêng tranh trị giá trên 30 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng) chưa kể các tác phẩm điêu khắc.
Sưu tập Trần Hậu Tuấn là cuốn sách đầu tiên về bộ sưu tập mỹ thuật Trần Hậu Tuấn, do chính anh chắp bút.
Bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn đồ sộ khi anh sở hữu được hầu hết tác phẩm mỹ thuật Việt Nam suốt 100 năm qua. Các tác giả có mặt trong hành trình xuyên suốt mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ 20 anh đều có trên ba tác phẩm, riêng tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm anh đang sở hữu nhiều nhất. Bên cạnh đó, tranh của bốn hoạ sĩ Việt tại nước ngoài - những tên tuổi luôn có giá tranh ngất ngưỡng ở các nhà đấu giá tranh quốc tế là: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm thì Trần Hậu Tuấn đều có sở hữu tác phẩm.
Chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn bao gồm đủ các giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương 1925-1975, Mỹ thuật thời chiến và bao cấp 1945-1985, Mỹ thuật miền Nam trước 1975, Mỹ thuật Đổi mới 1985-2000 và Mỹ thuật đương đại sau đổi mới từ 2000.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, quyển sách của Trần Hậu Tuấn là chuyện một người yêu nghệ thuật bắt đầu từ sự ngỡ ngàng của cậu học sinh trung học trước những bức tranh la liệt trong nhà một họa sĩ nghèo phố cổ và cuộc đi ấy đã kéo dài hơn 40 năm.
Cùng đó là câu chuyện về bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn, anh không hành nghề “làm tranh”, có tiền rồi tìm mua tác phẩm của các tác giả đã định vị hay đang “hot” để tham gia thị trường, cũng không phải là cái thú “chơi tranh” của những tay sành nghệ thuật nhờ vào cái duyên đưa đẩy trong đời sống văn hóa mà mua vào bán ra hoặc tích tụ một tài sản - một salon nghệ thuật gia đình. Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự tìm ra, tự nhìn thấy yêu hiểu hội họa nước nhà. “Sưu tập Trần Hậu Tuấn có vẻ đi theo mô hình cổ điển của một Tretyakov Gallery ở Nga và theo tấm gương chưa trọn vẹn của một Đức Minh - Bùi Đình Thản ở Việt Nam”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định.
Thiếu nữ và hoa cúc của danh họa Dương Bích Liên.
Với riêng nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn thì, “các tác giả tôi viết trong cuốn sách này có thể coi là trình tự sưu tập của tôi, được khởi đầu từ họa sĩ Bùi Xuân Phái, qua sự chỉ dẫn của ông, tôi tìm đến các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Sau đó tôi vào Sài Gòn và may mắn gặp họa sĩ Nguyễn Gia Trí, rồi tôi tìm mua tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh… Đó là những tác gia kinh điển của hội họa Việt Nam cận đại. Các bức tranh họa sĩ Trần Trung Tín tặng Bùi Xuân Phái mà tôi may mắn được ông và gia đình tặng lại giúp tôi tìm gặp và bổ sung vào bộ sưu tập tranh Trần Trung Tín – một họa sĩ đặc biệt và càng đặc biệt hơn với riêng tôi, bởi cũng như ông, tôi là người tự tìm cho mình con đường vào thế giới hội họa”, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ.