Trong 4 ngày đầu tuần, dù NHNN hút ròng liên tục tới 30.149 tỉ đồng nhưng lãi suất trên liên ngân hàng giảm không ngừng từ 3,28%/năm xuống còn 2,87%/năm với kỳ hạn qua đêm, mức thấp nhất trong tám tháng gần đây.
Tuy nhiên, lãi suất qua đêm đã tăng trở về mức 3,05% vào ngày giao dịch thứ 6 sau khi NHNN hút ròng thêm 10.930 tỉ đồng. Tính chung cả tuần, NHNN đã hút ròng 41.079 tỉ đồng hoàn toàn qua kênh tín phiếu, kênh OMO không phát sinh giao dịch nào và duy trì số dư bằng 0. Chênh lệch lãi suất ON của VND-USD hiện ở mức 0,6%/năm.
Cùng với đó, lãi suất huy động thị trường 1 với các kỳ hạn ngắn ổn định ở mức 4,1 - 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn 12 - 13 tháng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, có một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm từ 30-40bps (điểm cơ bản) nhưng cũng có ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 20 - 30 bps. Mức lãi suất hiện tại khác biệt khá nhiều giữa các ngân hàng, dao động trong vùng 6,4 - 7,8%/năm.
Ảnh minh hoạ
Thực tế khảo sát của Chứng khoán SSI cho thấy lãi suất huy động trên thị trường những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 đúng là có sự điều chỉnh trái chiều ở kỳ hạn dài. Do đó đã kéo giãn rộng hơn khoảng cách lãi suất của các ngân hàng - vốn đã ở mức rất rộng trước đó.
Riêng với các ngân hàng lớn thuộc nhóm "Big4" là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank, lãi suất cao nhất chỉ dao động từ 6,8 - 7%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngược lại, ở nhóm cổ phần thì con số phổ biến là từ 7,4 - 8%/năm. Đặc biệt với các khoản tiền gửi lớn thì nhiều ngân hàng chấp nhận trả lãi cao hơn rất nhiều.
Lấy ví dụ gửi 500 tỷ vào VIB được trả 8,6%/năm, SHB và PVcomBank trả lãi 8,5%/năm, ở ABBank là 8,3%/năm và OCB là 7,9%/năm. Các ngân hàng như TPBank, Bản Việt, SCB, VPBank... thì sẵn sàng trả 8,3 - 8,55%/năm cho các khoản tiền chục tỷ đến trăm tỷ hoặc gửi kỳ hạn 24 tháng.
Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa các ngân hàng huy động tiền gửi lãi thấp nhất với cao nhất hiện đã lên tới 1,8% ( 6,8% và 8,6%).