Ngành ngân hàng - cuộc đua không dành cho hai từ “hưởng lợi”

Đến đầu quý IV-2021, trong chiến dịch chuyển từ "zero COVID-19" sang "sống chung với COVID-19" khi các tỉnh, thành phố triển khai từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nền kinh tế dần được mở cửa và kỳ vọng sẽ có sự phục hồi. Cùng với đó, các ngành đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, ngành năng lượng, bán lẻ, logistics… được kỳ vọng phục hồi rất nhanh và hưởng lợi lớn. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng giữ vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cũng là ngành hiếm hoi không được đề cập trong nhóm ngành hưởng lợi 9 tháng đầu năm 2021, sẽ có triển vọng như thế nào trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn tâm thế và nội lực như thế nào cho cuộc đua sắp tới? Đâu sẽ là động lực cho sự phân hóa trong khối các nhà băng trong giai đoạn tới?

Cuộc đua về tăng vốn để trợ lực cho hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro

Năm 2021 là năm của những “cuộc đua” về tăng vốn. Đây cũng là nhu cầu thường trực của các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng hoặc cần gia cố thêm để nâng cao khẩu vị an toàn vốn. Từ đầu năm đến nay, 19 ngân hàng liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được sự chấp thuận chính thức về tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bao gồm các ngân hàng có vốn Nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV; các ngân hàng thuộc khối tư nhân gồm SHB, VP Bank, TP Bank, OCB...Tính đến thời điểm 30-06, VietinBank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với 48.058 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ Điều lệ hoạt động của các ngân hàng tại thời điểm 30-9-2021

Trong khi chậm nhất đến 1-1-2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR)  theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đến nay có 16/35 ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14-8-2020 của Ngân hàng nhà nước. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022.

Cuộc đua về dẫn đầu chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thu nhập

Nhìn vào cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng, có thể nhận thấy rõ xu hướng đa dạng hoá các nguồn thu bên cạnh nguồn thu lãi truyền thống từ tín dụng như trước đây của các ngân hàng cũng tập trung sang tăng thu nhập ngoài lãi – non NII (kinh doanh bảo hiểm, phát triển các hoạt động thanh toán, quản lý tài sản, mua bán chứng khoán, ngoại hối…), thể hiện qua tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động (NII/TOI) của Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VP Bank… có xu hướng giảm dần.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý I, II-2021 và 2020 của các ngân hàng

Trong các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, VietinBank có mức độ chuyển dịch tỷ lệ NII/TOI khá rõ khi tỷ lệ này giảm từ mức 86,9% trong năm 2020 xuống mức 79,7% trong 6 tháng đầu năm 2021. Đối với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, sự chuyển dịch diễn ra mạnh ở ACB, Liên Việt Post Bank, SHB… khi liên tục tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Theo báo cáo của NHNN, giá trị giao dịch trên kênh Internet và mobile banking của các ngân hàng trong quý II-2021 đạt 14.834 nghìn tỷ, tăng 21,3 lần so với cùng kỳ, riêng kênh mobile banking tăng 9,1 lần. Tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số đã mở lối cho cuộc đua xu hướng thứ 2 là đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng – một cuộc đua marathon cả về tốc độ và quy mô. 

Nguồn: NHNN

Bên cạnh cuộc đua về xây dựng và định vị thương hiệu các sản phẩm ứng dụng ngân hàng số tiêu biểu là VCB Digibank, VPBank NEO, VietinBank iPay, My VIB…, trong ngành ngân hàng đang có một cuộc đua ngầm khác là nâng cao năng lực core, công nghệ để chuẩn bị trước cho sự đe dọa từ các công ty fintech và dịch vụ mobile money trong thời gian tới. Techcombank chia sẻ đã lựa chọn Amazon Web Services làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Trước đó, VietinBank cũng triển khai các giải pháp khai thác Big data, AI, học máy vào phân tích dữ liệu khách hàng.

 “Hưởng lợi” chỉ là cụm từ cho kỳ vọng ngắn hạn; lợi thế cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại và năng lực tài chính mạnh của các nhà băng mới là yếu tố mang lại sự phát triển nhanh, bền vững. Những ngân hàng có khát vọng chuyển đổi số mạnh mẽ và tận dụng thế mạnh về vốn chắc chắn sẽ có ưu thế để phát triển, bứt phá và dẫn đầu trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm