Ngành thanh tra gặp nhiều áp lực do thiếu biên chế

(PLO)- Các thanh tra viên phải chịu áp lực khá lớn vì công việc nhiều mà biên chế lại ít.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thanh tra chuyên ngành, thanh tra huyện; công chức làm việc ở cơ quan thanh tra; quy định rõ thời gian tiến hành một cuộc thanh tra…

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại diện Thanh tra TP Thủ Đức bày tỏ băn khoăn về biên chế thanh tra viên. Theo vị này, với số lượng biên chế như hiện nay là 21 người, đơn vị gặp khó trong thực hiện nhiệm vụ với địa bàn rộng lớn như TP Thủ Đức.

Theo vị này, trước khi thành lập TP Thủ Đức, mỗi quận có biên chế là 10 thanh tra viên. Sau khi thành lập TP Thủ Đức và thực hiện tinh giản, hiện cơ quan Thanh tra TP Thủ Đức chỉ còn 21 người. “Với địa bàn ba quận sáp nhập lại, đơn thư không giảm mà còn tăng, nhân sự lại giảm bớt nên chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều” - vị này nói.

Còn đại diện Thanh tra Sở TT&TT TP cho hay nếu quản lý theo chuyên ngành thì đã ôm hơn 10 lĩnh vực. Hiện biên chế thì rất ít nhưng nhiệm vụ lại quá nhiều. “Thật sự nếu làm luôn phần thanh tra hành chính thì vừa nhiều vừa không có kinh nghiệm. Về mặt thanh tra hành chính, theo tôi, nếu được thì nên chuyển về cho thanh tra nhà nước thực hiện luôn chứ không nên để cho thanh tra chuyên ngành làm nữa” - vị này đề xuất.

Đại diện Thanh tra Sở TT&TT cũng cho rằng quy trình hướng dẫn một cuộc thanh tra đối với thanh tra chuyên ngành cần phải ít hơn so với thanh tra nhà nước. Vị này đơn cử hiện đội thanh tra của bà chỉ có bảy người, nếu làm theo quy trình của thanh tra nhà nước thì không thể đi thanh tra được nhiều vì một cuộc thanh tra mất 1,5-2 tháng mới xong một bộ hồ sơ. Như vậy, trong một năm chỉ thực hiện được một vài cuộc thanh tra thì sẽ không sát sao.

Tại hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ thanh tra cấp huyện. Đại diện Thanh tra TP Thủ Đức cho rằng nếu bỏ thanh tra cấp huyện sẽ gây khó cho chính quyền địa phương. Trong năm 2021, TP Thủ Đức tiếp nhận hơn 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong lĩnh vực thanh tra trường học, địa bàn TP Thủ Đức hiện có đến hàng trăm trường học, mỗi lần thanh tra đều có sai sót. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì sẽ không kịp thời chấn chỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu quan điểm về thời gian, thâm niên công tác của một thanh tra viên.

Theo bà, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ thanh tra viên thì phải có một thời gian dự bị để tạo điều kiện cho thanh tra tập sự, rèn luyện phấn đấu và vững tay nghề hơn khi bước vào hàng ngũ thanh tra.

Về ý kiến bỏ luôn thanh tra cấp huyện thì bà cho rằng sẽ khó bởi hiện nay đã không còn HĐND cấp huyện. Mặc dù hai cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng nếu bỏ luôn thanh tra thì sẽ không có cơ quan nào lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với một đô thị như TP.HCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm