3 nhiệm vụ của ngành Thanh tra TP.HCM trong năm 2022

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu thống nhất với báo cáo của Thanh tra TP trong công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 vào chiều 19-1.

Ông Châu đánh giá cao những đóng góp của ngành Thanh tra trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Thành phố.  

Phó chủ tịch UBND TP.HCM NGô Minh Châu phát biểu chỉ đoạ tại hội nghị. Ảnh: TS

Ông cũng đề nghị ngành Thanh tra thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm sau đây.

Thứ nhất, Chánh Thanh tra các sở - ngành, quận - huyện cần chủ động, nỗ lực hoàn thành 100% các Đoàn thanh tra theo Kế hoạch công tác đã đề ra, khắc phục việc kéo dài Đoàn thanh tra theo kế hoạch của năm trước sang năm sau.

Phải có giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng Kết luận thanh tra và tổ chức hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tất cả kiến nghị của Kết luận thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chỉ đạo xử lý được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Riêng cơ quan Thanh tra TP.HCM, ông Châu đề nghị Chánh Thanh tra và tập thể lãnh đạo Thanh tra TP kịp thời đề xuất giải pháp cho Chủ tịch UBND TP trong việc tổ chức thực hiện các Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của Bộ - ngành Trung ương.

“Nhất là Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP ngày 13-5-2021 của TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị và việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác. Kết luận thanh tra số 327/KL-TTCP ngày 23-11-2021 của TTCP về việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh. Kết luận thanh tra số 2323/KL-TTCP ngày 30-12-2021 của TTCP về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM và Kết luận kiểm tra số 1037/KL-TTCP ngày 26-6-2019 của TTCP liên quan một số nội dung tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm”- ông Châu nói thêm.

Thứ hai, năm 2022 lãnh đạo ngành Thanh tra phải tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Nhất là việc chú trọng công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất, đề xuất giải quyết kịp thời, đúng quy định, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị mới phát sinh.

Bên cạnh đó, Thanh tra TTP.HCM cần tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, với sở -ngành, quận - huyện và thành phố Thủ Đức để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà UBND TP giao.

“Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”- ông Châu nhấn mạnh.

Thứ ba, ngành Thanh tra phải tham mưu cho UBND cùng cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời đề xuất việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời phải quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao.

Ngoài ra, tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Thực hiện càng tốt nội dung này chắc chắn tạo nên hình ảnh tốt đẹp về ngành nói riêng, về đội ngũ cán bộ, công chức thành phố nói chung bởi sự liêm minh, chính trực của từng cán bộ, công chức thanh tra có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp và xã hội”.

Vi phạm về kinh tế hơn 700 t đồng

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Thanh tra TP.HCM chiều 19-1, Thanh tra TP.HCM cho biết trong năm 2021 đã triển khai 213 cuộc thanh tra hành chính và 5.719 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 700 tỉ đồng, hơn 16.580m2 đất.

Trong đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền hơn 14 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác số tiền hơn 685 tỷ đồng, hơn 16.580m2 đất. Đã ban hành 5.723 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 42 tỉ đồng; Đã xử lý hành chính 452 tổ chức và 1.379 cá nhân. Chuyển cơ quan điều tra 43 vụ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm