Ngày buồn của Thạch Kim Tuấn

Niềm hy vọng số một ở môn cử tạ Thạch Kim Tuấn thất bại, hai kình ngư Ánh Viên, Quý Phước thi đấu dưới sức mình, Hà Thanh của thể dục dụng cụ cũng tỏ ra quá tầm ở Olympic.

Trước thềm Olympic, dư luận râm ran chuyện Tuấn tái phát chấn thương đầu gối và anh không có thể trạng tốt nhất khi xung trận. Để trấn an mọi người, HLV Huỳnh Hữu Chí khẳng định chắc nịch ông và học trò không bỏ ra vài tháng miệt mài tập luyện để rồi đến Rio vui chơi.

Ngay sau thất bại của học trò, ông Chí thú nhận rằng Kim Tuấn không chỉ đau đầu gối mà cổ tay cũng có vấn đề nên không thể gắng hết sức. Kim Tuấn cần phải tiêm thuốc giảm đau trước khi thi đấu nhưng ban huấn luyện không dám mạo hiểm (!?).

Nỗi thất vọng của Thạch Kim Tuấn. Ảnh: MQ

Việc cảm thấy không ổn về sức khỏe đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý thi đấu của Tuấn. Ngay lúc bước ra sàn đấu, không khó để người hâm mộ nhận thấy sự lo lắng hiển hiện rõ trên gương mặt của chàng lực sĩ trẻ. Thêm vào thất bại ngay lần nâng mức tạ 130 kg cử giật đầu tiên, tâm lý vào trận của Tuấn sa sút thấy rõ.

Thất bại của Thạch Kim Tuấn là điều không ai muốn nhưng có vẻ như ban huấn luyện đã đánh giá sai trong việc chọn đối thủ (?!). Với thể trạng lẫn tâm lý thi đấu không tốt như thế, lẽ ra cử tạ Việt Nam chỉ nên xác định cho Tuấn tranh chiếc HCĐ với Kruaithong Sinphet (Thái Lan), Colonia Nestor (Philippines). Hai đối thủ này “vừa miếng” với Tuấn hơn là lao vào cuộc cạnh tranh HCB, HCV vốn rất khốc liệt với hai đại kình địch Om Yun Chol (Triều Tiên) và Long Qingquan (Trung Quốc) vượt trội về mọi mặt.

Chính chiến thuật chậm mà chắc của Kraithong khi chỉ đăng ký mức tạ khởi điểm 125, 131, 132 kg và đều thành công ở cử giật đã khiến Thạch Kim Tuấn phải “tải” thêm áp lực. Hậu quả là lực sĩ số một Việt Nam thất bại liên tiếp trong ba lần nâng 157, 160, 160 kg cử đẩy, đành ra về trắng tay.

Đấu trường cử tạ hạng 56 kg nam thế giới đã trở thành gánh nặng đối với Thạch Kim Tuấn cùng sự thất vọng não nề. Các đối thủ lớn Long Qingquan (thành tích 307 kg), Om Yun Chol (303 kg) cùng với sự tiến bộ của Kruaithong Sinphet (289 kg) đã trở lại dũng mãnh đoạt HCV, đồng thời phá kỷ lục thế giới, phá kỷ lục Olympic.

Ánh Viên, Quý Phước, Hà Thanh không vượt qua chính mình

• Trên đường đua xanh, nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên thất bại ở cự ly 400 m tự do nữ. Ở nội dung không phải sở trường này, Ánh Viên chỉ về đích thứ 8/8, đạt thành tích 4’16”32. Thành tích này kém xa thông số tốt nhất 4’07”96 được kình ngư Việt Nam thiết lập tại giải bơi Arena Pro Swim Series 2016 tại Indianapolis (Mỹ).

• Tại vòng loại 200 m tự do nam, Quý Phước cũng cán đích vị trí khiêm tốn hạng 7/8. VĐV người Đà Nẵng rất thất vọng với chính bản thân mình khi chỉ đạt thành tích 1’50”39, kém xa kỷ lục SEA Games 2015 do chính anh thiết lập là 1’48”96.

• Môn thể dục dụng cụ, Phan Thị Hà Thanh hoàn thành bài thi nhảy chống sở trường đạt 14,233 điểm, xếp hạng 10/10 VĐV dự tranh vòng loại. Riêng ở nội dung cầu thăng bằng, Hà Thanh đạt tổng điểm 13,800 điểm, xếp hạng 21/50 VĐV dự vòng loại. Khả năng đi tiếp gần như không thể.

• Trên bảng xếp hạng huy chương ngày 7-8, TTVN (1 HCV) rơi xuống hạng 13 trong khi các đoàn Mỹ (3 HCV; 5 HCB; 4 HCĐ), Trung Quốc (3 HCV; 2 HCB; 3 HCĐ), Úc (3 HCV; 0 HCB; 3 HCĐ) chia nhau ba vị trí dẫn đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới