Tối ngày 21-2, tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM đã diễn ra đêm thơ chính thức của Ngày thơ Việt Nam, song song các hoạt động của các CLB tham gia Ngày thơ tại các trại của mình.
Tại đây, những tiết mục thơ và văn nghệ xuất sắc của các CLB đã được trình diễn chính thức.
Tiết mục của các CLB thơ Bắc Ninh được trình diễn trong đêm thơ chính thức. Ảnh: LÊ THOA
Anh Vũ Hoàng Minh Trọng (bìa phải) - CLB Bạn hữu đường xa - An toàn về nhà và niềm vui trong đêm thơ. Ảnh: LÊ THOA
Nhiều bậc phụ huynh cũng dắt con cháu đến nghe thơ. Ảnh: LÊ THOA
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP.HCM cho biết điểm nhấn đặc biệt của Ngày thơ Việt Nam là trong chương trình thơ chính thức có tuyển chọn những tiết mục xuất sắc của các CLB thơ quận, huyện và thậm chí là những người làm thơ bình thường để tăng tính rộng rãi, sự gần gũi giữa người làm thơ có nghề và không có nghề chứ như mọi năm chương trình này chỉ dành cho các nhà thơ là hội viên. Trong chương trình đọc thơ chính thức có phần “mời thơ” tạo sự giao lưu giữa các thế hệ, bởi lâu nay các nhà thơ chỉ tới đọc thơ mà không nói chuyện, trao đổi với nhau nhiều.
Một tác giả thơ bên những tác phẩm của mình và bạn bè. Ảnh: LÊ THOA
Những người mê thơ cùng giao lưu tại trại. Ảnh: LÊ THOA
Đến Ngày thơ Việt Nam còn để tìm sách. Ảnh: LÊ THOA
Ngày thơ Việt Nam năm nay được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 20-2 đến ngày 22-2, với ba nội dung khác nhau, ngày thứ nhất là tọa đàm về sức sống thơ ca đô thị; ngày thứ hai các CLB sẽ dựng trại để giao lưu với nhau và tạo sân chơi cho mọi người giao lưu cùng với đêm đọc thơ về tình yêu đất nước; ngày cuối cùng là buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.
Bạn Nguyễn Trần Khải Duy - Chủ nhiệm CLB Văn học và Nghệ thuật (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho biết đã 14 năm liên tiếp CLB đều tham gia ngày thơ với nhiều hoạt động như trà đạo, viết thư pháp, bán sách và tổ chức thi sáng tác thơ trong CLB. “Việc CLB tham gia ngày thơ không chỉ mang lại niềm vui tinh thần mà để khẳng định rằng thơ chưa bao giờ chết trong lòng giới trẻ. Chúng tôi đều say mê thơ và nhiệt tình tham gia mỗi khi hội thơ đến” - Duy nói.
Ngày hôm nay (22-2), Ngày thơ Việt Nam sẽ tiếp tục với phần giao lưu giữa các nhà thơ với sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.