Nghe chuyện 'dọc đường tác nghiệp' cùng phóng viên điều tra của Pháp Luật TP.HCM

(PLO)- Hai phóng viên điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM đã có những chia sẻ về cách phát hiện đề tài, kĩ năng và cả những nguy hiểm trong quá trình làm điều tra với các bạn sinh viên trong talkshow "Dọc đường tác nghiệp".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ chương trình Hội báo Toàn quốc 2024, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức Talkshow “Dọc đường tác nghiệp”, giao lưu cùng phóng viên điều tra của báo, sáng 16-3.

Nghe chuyện dọc đường tác nghiệp cùng phóng viên điều tra-talk-show-doc-duong-tac-nghiep-hoi-bao-toan-quoc (6).jpg
Sinh viên hào hứng tham gia talkshow Dọc đường tác nghiệp tại gian hàng của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều sinh viên báo chí, khoa báo chí- truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã đến tham dự và đặt nhiều câu hỏi cho hai cây bút điều tra và báo là Phóng viên (PV) Nguyễn Tân và Tự Sang.

PV Nguyễn Tân chia sẻ, các phóng sự điều tra được thực hiện kì công, để đưa ra sự thật thì phải nỗ lực rất nhiều. Để có được đề tài điều tra, bản thân phóng viên phải có độ nhạy và không ngừng tìm tòi, suy nghĩ, quan sát để thực hiện đề tài.

Sinh viên Thu Thảo đặt câu hỏi, từ nguồn thông tin nào mà PV có thể phát triển thành đề tài điều tra móc túi ở Suối Tiên và quá trình thực hiện có những khó khăn thế nào.

Tuyến điều tra này do PV Nguyễn Tân trực tiếp thực hiện cùng một phóng viên khác. Anh chia sẻ, xuất phát từ một thông tin tình trạng móc túi trên xe buýt, cả hai PV đã liên tục tìm hiểu tình trạng này xảy ra ở các tuyến nào để thực hiện.

Sau đó, cả hai tìm được manh mối là trên các tuyến xe buýt ở Suối Tiên, nhiều người bị mất cắp là sinh viên, người nước ngoài. Cả hai cùng vào cuộc, giả làm sinh viên để ghi nhận.

“Nhưng các đối tượng này họ nắm rất rõ người lạ xuất hiện. Qua ngày thứ hai, chúng tôi bị các đối tượng này nghi ngờ và phát hiện. Thậm chí, họ đã dằn mặt”- PV Nguyễn Tân kể lại quá trình thực hiện.

Không từ bỏ, các phóng viên đã báo lại toà soạn để tính toán phương án tiếp cận mới. Sau một thời gian dài đeo bám, cả hai phát hiện đây là một nhóm móc túi chuyên nghiệp gồm 16 người, chia nhau để phối hợp từ việc tiếp cận sinh viên, người dân rồi sau đó phân chia số tiền lấy được.

PV còn gặp các nạn nhân để ghi nhận cảm xúc, câu chuyện của họ. Đây cũng là chứng cứ quan trọng để cơ quan chức năng tiếp nhận. Loạt bài được đăng tải, cung cấp đầy đủ chứng cứ cho cơ quan điều tra và sau đó, cả 16 người này bị xử lý.

Nghe chuyện dọc đường tác nghiệp cùng phóng viên điều tra-talk-show-doc-duong-tac-nghiep-hoi-bao-toan-quoc (2).jpg
Sinh viên đặt câu hỏi tại talkshow. Ảnh: NGUYỆT NHI

Một điều quan trọng mà cả PV Nguyễn Tân và Tự Sang đều chia sẻ là đề tài điều tra, muốn đứng được đều phải có chứng cứ. Vì vậy, người PV phải tự trang bị kĩ năng quay phim, ghi hình để quá trình tác nghiệp có thể thu thập đầy đủ mọi khung hình. Trên hết, trước khi là phóng viên điều tra, mỗi người đều phải ý thức rằng là công dân phải có trách nhiệm lên án cái sai, cái xấu.

Cùng đó, việc gầy dựng nguồn tin để là điều quan trọng. Rất nhiều đề tài điều tra có được là từ thông tin người dân cung cấp.

Người PV cũng cần biết “ngửi” thông tin để tìm hiểu, phát triển thành đề tài điều tra. Không nên bỏ qua bất kì thông tin nhỏ nào, vì đó có thể là manh mối cho những bài điều tra lớn.

Tuyến bài mua đường trong Khu công nghệ cao của PV Tự Sang, được thực hiện từ một dòng thông tin rất nhỏ trên mạng xã hội.

“Khi vô tình đọc được một thông tin tài xế phản ánh trên mạng, tôi lập tức đi thực tế để xem tình hình ở đó ra sao”- PV Tự Sang, người thực hiện vệt bài này kể lại.

Sau đó, anh tìm ra được sự vô lý là có xe ngang nhiên chạy ngược chiều vẫn không hề hấn gì.

Về tuyến điều tra “Đường dây mua, bán thận ở TP.HCM”, PV Tự Sang nói anh và đồng nghiệp thực hiện từ một phản ánh của chính nạn nhân.

Trước thắc mắc làm sao để đảm bảo rằng mình sẽ an toàn khi sống, sinh hoạt cùng các đối tượng và có thể bị đưa lên bàn mổ để lấy thận bất cứ lúc nào của sinh viên, PV Tự Sang cho hay trước khi làm bất cứ loạt bài nào, toà soạn đều phải tính toán hết các tình huống rủi ro có thể xảy ra và vạch phương án để xử lý.

Không một toà soạn nào có thể mạo hiểm tính mạng của PV nếu không đảm bảo được an toàn tối đa cho PV trực tiếp tác nghiệp.

“Từ manh mối nhỏ nhất mà nạn nhân cung cấp thì chúng tôi tìm cách thâm nhập. Tôi và đồng nghiệp đã bị "giam" chung cùng các nạn nhân khác, cái đầu của mình luôn phải tỉnh, thậm chí không dám ngủ để vừa quan sát vừa ghi nhận. Sau đó, chúng tôi kịp thoát thân khi các đối tượng này đưa tôi lên bàn mổ...”- PV Tự Sang chia sẻ.

Có sinh viên cũng hỏi rằng việc dấn thân để có những tuyến bài điều tra hay luôn đặt phóng viên đứng trước những nguy hiểm liệu có xứng đáng với những gì nhận được. Cả hai PV Nguyễn Tân và Tự Sang đều cho rằng, quan trọng là mỗi cá nhân tự xác định lại cái mình muốn, đam mê với nghề và có dám đi đến tận cùng hay không.

PV Nguyễn Tân kể lại, anh từng bị phơi nhiễm HIV trong quá trình thực hiện một tuyến điều tra liên quan. Anh phải vào BV điều trị phơi nhiễm. Nhưng điều đó không làm anh thấy ngại, lùi bước mà xem đó là điều phải trải qua trong quá trình tác nghiệp để phanh phui sự thật.

“Làm điều tra rất dễ nản vì có phải làm lâu dài, đeo bám và đối mặt nhiều nguy hiểm nhưng quan trọng mình cần xác định được tâm thế để làm nghề”- PV Nguyễn Tân chia sẻ.

Hay như lần anh cùng đồng nghiệp thực hiện tuyến bài “Đưa người vượt biên qua Campuchia”. Cả hai rơi vào tình huống khó khi một trong hai mất dấu đối tượng, không theo kịp để bọc lót cho nhau.

Nhờ có sự phối hợp trước đó, ngay trước khi một PV bị các đối tượng đưa sang ranh giới nước bạn, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để giải cứu.

Nghe chuyện dọc đường tác nghiệp cùng phóng viên điều tra-talk-show-hoi-bao-toan-quoc (4).jpg
PV Tự Sang chia sẻ với các bạn sinh viên về quá trình thực hiện tuyến bài mua bán thận tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các bạn sinh viên cũng thắc mắc rằng, các đề tài điều tra đa phần sẽ đụng chạm đến "lợi ích nhóm", làm sao để có thể vượt qua ranh giới này, đi đến cùng sự thật.

Chia sẻ với các bạn, PV Nguyễn Tân cho rằng, nếu xuất phát với động cơ trong sáng với đề tài đó thì không gì có thể ngăn được phóng viên thực hiện. Với loạt điều tra "Trật tự đô thị làm luật người bán hàng rong" mà anh cùng đồng nghiệp thực hiện, khá nhạy cảm khi trực tiếp đụng đến lực lượng trật tự đô thị. Dù vậy, nếu bản thân người phóng viên "dám nói không với cái sai, cái xấu" thì sẽ giữ vững được lập trường.

Sau cùng, bản lĩnh, tâm huyết của Ban Biên tập, toà soạn sẽ quyết định cho một loạt bài điều tra.

Nghe chuyện dọc đường tác nghiệp cùng phóng viên điều tra-talk-show-hoi-bao-toan-quoc (9).jpg
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi nhận quà từ hai cây bút điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Gửi gắm đến các bạn sinh viên, hai cây bút điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM mong các bạn có thể bắt đầu làm nghề từ những bản tin nhỏ nhất, chịu khó đào sâu từng bản tin, bài viết để tích luỹ các giá trị về sau. Trên hết, phải tự trang bị kĩ năng, giữ đạo đức làm nghề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm