Những ngày đầu tháng 8, không khí âm nhạc cổ điển của Sài Gòn nghe chừng rộn rã hơn bởi những sự trở về: Nghệ sĩ vĩ cầm Tạ Tôn cùng em gái, nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi từ Mỹ và Pháp về tham gia chương trình Chuyện kể những chiếc giày; nghệ sĩ dương cầm Bích Trà từ Anh về biển diễn solo trong chương trình hòa nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc và vũ kịch TP.HCM… Và trong đó sự trở về của hai nghệ sĩ dương cầm trẻ Nguyễn Vân Anh (sinh năm 1987) từ Úc, Gabriel Trần Phương Nam (sinh năm 1989) từ Pháp càng làm sôi động thêm đời sống âm nhạc cổ điển Sài Gòn trước mùa Giai điệu mùa thu (ngày 19 và 20-8)…
Vân Anh và ước mơ đào tạo tài năng
Nếu năm 2005, Vân Anh trở về biểu diễn lần đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ phải có mẹ dìu dắt thì năm nay, Vân Anh một mình, tự tin trở về cùng kế hoạch phát triển con đường âm nhạc tại Việt Nam.
Làm quen với cây dương cầm từ 15 tháng tuổi, lên bốn tuổi, Vân Anh đã được Nhạc viện Sydney nhận vào học và tám tuổi, cô đã biểu diễn độc tấu tại Nhà hát con sò Úc. Vốn liếng của Vân Anh bây giờ không chỉ là những giải thưởng quốc tế về trình diễn dương cầm mà còn cả sự nghiệp viết nhạc và kế hoạch giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn. Ngay lần về biểu diễn đầu tiên vào năm 2005, khi được ban tổ chức lo cho chi phí đi lại, Vân Anh và gia đình đã trích khoản tiền tương đương giá vé máy bay (1.000 USD) làm thành học bổng trao cho 15 sinh viên đang theo học tại Nhạc viện TP.HCM. Chia sẻ về điều này, Vân Anh nhỏ nhẹ: “Đằng nào em cũng về thăm gia đình, bạn bè. Nếu về kết hợp được biểu diễn nữa thì quá tốt. Thay vì em mua vé thì em dùng số tiền đó tặng các bạn...”.
Có lẽ từ lần diễn đầu tiên ở quê lại mang tính từ thiện như vậy nên Vân Anh cũng có duyên với những công việc biểu diễn thiện nguyện. Trong buổi diễn tối 31-7, tại khách sạn New World, Vân Anh diễn với tư cách là đại sứ của tổ chức từ thiện Heart Reach Australia. “Em có hướng đi riêng nhưng em vẫn muốn song song công việc, sự nghiệp của mình là những hoạt động từ thiện. Trước mắt, em sẽ làm tốt vai trò quảng bá cho tổ chức thiện nguyện em đang là đại sứ” - Vân Anh nói.
Nguyễn Vân Anh trong buổi diễn tối 31-7, tại khách sạn New World. Ảnh: QUỲNH TRANG
Gabriel Trần Phương Nam tập tại Nhạc viện TP.HCM chuẩn bị cho buổi diễn vào tối 7-8. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hiện ở Úc, Vân Anh và ca sĩ Thanh Bùi cùng mở và giảng dạy tại International Artist Academy chuyên đào tạo các tài năng từ nhỏ. Hỏi về dự định một chi nhánh tại Việt Nam, Vân Anh ước mơ: “Trong một vài năm nữa, em và anh Thanh (ca sĩ Thanh Bùi) dự kiến sẽ mở một chi nhánh tại Việt Nam. Em không mong có một sự thay đổi hay gì đó quá to tát nhưng vẫn mong âm nhạc Việt Nam có được sự khác biệt so với thế giới. Như hiện tại các bạn trẻ yêu thích nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các nhạc sĩ sáng tác hip hop… nhưng tất cả chỉ mới là bản sao chứ chưa phải được đào tạo bài bản và có cái riêng trong đó”.
Phương Nam: Nhờ piano mà trở về
Cũng gần giống như Vân Anh ngày đầu về diễn, đây là lần đầu tiên Gabriel Trần Phương Nam biểu diễn tại Việt Nam. Vào tối 7-8, Nam sẽ tham gia trong chương trình độc tấu Phương Nam piano recital tại Nhạc viện TP.HCM (toàn bộ vé chương trình được tặng). Nếu Vân Anh chững chạc trở về, biểu diễn như gương mặt của một đại sứ quỹ từ thiện thì Nam trở về biểu diễn hoàn toàn bằng kinh phí của gia đình thông qua hỗ trợ tổ chức của nhạc trưởng Nguyễn Bách.
Vẫn đang là sinh viên năm thứ hai của Nhạc viện quốc gia Paris (Pháp) nên Nam chưa có nhiều dự định cho công việc tương lai. Nhưng khi nghe bố bàn về kế hoạch biểu diễn ở quê nhà, Nam nhận ra rằng đây là dịp hiếm để có thể trở về biểu diễn trước người thân, bạn bè. Với vốn tiếng Việt ít ỏi và cũng chưa quen với những cuộc phỏng vấn, Nam ngượng nghịu chia sẻ: “Nhờ có piano, em mới có dịp về Việt Nam. Trước buổi diễn ở đâu em cũng thấy căng thẳng, nhất là giây phút ngồi trước đàn chờ diễn. Nhưng diễn ở Việt Nam em thấy thoải mái hơn vì đây là buổi báo cáo cho mọi người quá trình học của em suốt thời gian qua”.
Sau Vân Anh và Phương Nam, trong mùa Giai điệu mùa thu sắp tới còn có sự trở về của hai nghệ sĩ dương cầm là cháu ngoại của nhạc sĩ Văn Cao: Lê Thu Quỳnh và Lê Thanh Thảo từ Ba Lan và Mỹ; Tiến sĩ nghệ thuật, nghệ sĩ kèn oboe Đặng Phú Vinh (Mỹ)... Mỗi người trở về đều có ước mơ, dự định riêng. Thành công hay thất bại, nếu có, vẫn còn ở phía trước nhưng trên hết, sự trở về của họ đều đáng trân quý. Bên cạnh đó còn là một hy vọng xa hơn cho tương lai âm nhạc cổ điển Việt Nam… |
QUỲNH TRANG