Nghệ sĩ Quang Phùng: 50 năm chụp ảnh Hà Nội

80 tuổi, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã có trên 50 năm chụp ảnh về Hà Nội.

Tình yêu bền bỉ

. Xin ông cho biết, tại sao phần lớn những bức ảnh chụp về Hà Nội của ông chủ yếu thực hiện ở Hồ Gươm?

+ Hồ Gươm là một trong ba báu vật của thủ đô. Đó cũng là cánh cửa mở cho tôi vào đời. Tôi dạo quanh Hồ Gươm từ lúc năm tuổi và cũng đã chụp về Hà Nội, cụ thể là xung quanh Hồ Gươm được khoảng 50 năm.

. Chụp một địa điểm cố định từng ấy năm, ông có bị rơi vào sự nhàm chán của đề tài ?

+ Không, tôi không sợ điều đó. Mỗi góc ảnh mình chụp ở mỗi thời điểm lại khác nhau. Ví dụ, những bức ảnh ghi lại những cánh hoa rơi xuống mặt hồ không thể chìm nổi vì váng nước bẩn và rác thải quá dày nhưng cánh hoa vẫn tươi mới. Riêng ý tưởng này, tôi đã phải hơn 100 lần bấm máy trong khoảng 30 năm. Để có được cảnh ấy, phải chọn đúng lúc sau mưa buổi chiều (tầm 16 giờ 15) thì ảnh mới đạt.

. Vác máy đi dọc hồ, có bao giờ ông bị người ta nhầm là thợ chụp ảnh dạo?

+ Chưa bao giờ bị nhầm. Nhưng có một điều rất phiền là nhiều người quen khi thấy tôi họ cứ nhờ chụp ảnh. Những bức ảnh của tôi phải có chủ đề, không thể chụp kiểu như thế được.

. Đề tài chủ yếu của ông khi chụp về Hà Nội là gì?

+ Tôi chụp tất cả những gì về Hà Nội. Trong đó có bảy phần về cái xấu, ba phần về cái tốt. Đó có thể là những chiếc bóng đèn treo trên những cây cổ thụ ở xung quanh hồ hay những cái biển cấm vô duyên trên thảm cỏ, có khi là hình ảnh bà bán rong, những đôi lứa yêu nhau… Hiện tại tôi đã có 300 bức ảnh về những chuyện tình xung quanh Hồ Gươm. Tôi gói ghém tất cả bức ảnh theo chủ đề ấy vào từng hộp riêng, có cái tôi còn thắt nơ cẩn thận để lỡ khi tôi ra đi, còn có gì để lại cho Hà Nội, cho đời sau.

Nghệ sĩ Quang Phùng: 50 năm chụp ảnh Hà Nội ảnh 1

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Ảnh V.THỊNH

Cầm máy như cầm súng

. Bộ ảnh của ông về ma túy và HIV được triển lãm vào năm 2004 đã thực sự gây chấn động. Ông thực hiện bộ ảnh đó như thế nào?

+ Tôi làm phóng sự ảnh về ma túy giữa thủ đô với 500 bức ảnh. Ý tưởng xuất hiện trong tôi khi tôi chứng kiến hàng chục con nghiện công khai hút chích như thách thức dư luận. Tôi đeo bám họ, có một nhân vật nữ trong ảnh của tôi, tôi đã theo cô ấy đến khi nhân vật chết. Tôi quan niệm, nghệ thuật nằm trong ý tưởng chứ không phải trong ảnh. Hiện tại tôi cũng đã có trong tay hàng trăm bức ảnh về ma túy học đường. Cái này công bố ra khủng khiếp lắm.

. Ông có bị những đối tượng ấy dọa dẫm không?

+ Có những bức ảnh tôi chụp mà con nghiện ở phía sau. Lúc đó, người cầm máy ảnh cũng như cầm súng vậy. Có lần tôi còn nằm bệt xuống cỏ, ướt hết cả ngực… nhưng những đối tượng ấy họ không biết mình hướng ống kính vào đâu. Chẳng hạn, khi kim tiêm bắt đầu chạm vào da thịt rồi, con nghiện sẽ không chú ý đến xung quanh nữa, đó là thời điểm tôi gọi là cao trào để bấm máy. Cẩn thận thế nhưng có lúc cũng bị phát hiện, đương nhiên là cũng bị dọa dẫm, có người còn ném chuột chết vào nhà tôi ấy chứ.

. Ngoài yếu tố kỹ thuật, để chụp những bức ảnh cảm xúc như thế cần có yếu tố nào nữa, thưa ông?

+ Tình thương trong người, tính Phật trong tâm. Người cầm máy phải xuất phát từ những điều đó. Để bắt được hình ảnh ấn tượng, người cầm máy phải có nghệ thuật ứng xử, trái tim phải tỏa sáng. Trong triển lãm về ma túy ấy, bạn có thể thấy những bức ảnh các cô gái ở trung tâm cải tạo xã hội cười rất tươi, rất thực. Để ghi được nụ cười đó, tôi đã đến với họ, tôi cầm lấy ca nước ngay trong nhà họ rót nước uống mà không tráng cốc, tôi thân thiết, gần gũi với họ.

Học nhiều từ Bùi Xuân Phái

. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội mà ông vừa nhận được có ý nghĩa thế nào với ông ?

+ Thú thật, năm ngoái tôi đã từng được đề cử nhưng vì đang ốm nên tôi từ chối. Tôi đã trải qua hai lần đột quỵ, được sống là điều may mắn. Tôi ấn tượng với tên gọi của giải thưởng. Tôi chụp Hà Nội luôn theo tiêu chí phản ánh thực trạng để thúc đẩy các giải pháp, làm một cách vô tư, không vụ lợi. Tôi có 20 năm quen thân với ông Bùi Xuân Phái và đúng là việc tôi làm chỉ “Vì tình yêu Hà Nội” mà thôi.

. 20 năm gần gũi với một họa sĩ lớn như thế, ông có học được gì không?

+ Bùi Xuân Phái là một họa sĩ có tư cách và lạc quan. Tôi lấy ví dụ, ngày ấy món bánh cuốn Hà Nội sao mà ngon đến thế. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thường tìm đến một quán quen, ăn vài đĩa bánh cuốn và uống một chén rượu của bà hàng nước cho chịu. Ăn xong, ông bước đi cao lêu nghêu, sảng khoái đúng tâm thế của một kẻ sĩ Bắc Hà. Tôi học được ông ấy sự sảng khoái, cái tâm trong nghề nghiệp và việc tìm ánh sáng cho bức tranh.

.Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Nghệ sĩ Quang Phùng sinh năm 1932 tại Hà Đông, là con của một viên quan đầu tỉnh với một người con gái đẹp của Hà Nội xưa. Năm 1955, ông trở thành thành viên của Ủy ban Quốc tế, gồm Việt Nam và một số nước liên quan đến việc giải giáp quân Pháp. Năm 1970, ủy ban này giải thể, ông về làm việc tại Bộ Ngoại giao. Ông chụp ảnh từ năm 1954. Năm 1955 ông đã có bộ ảnh đầu tiên về giải phóng thủ đô. Từ đó, ông chỉ chụp về Hà Nội. Mọi ngóc ngách về Hà Nội.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm