Ngày 26-1, đông đảo văn nghệ sĩ tên tuổi phía Nam đã có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân để được lắng nghe và bày tỏ tâm tư nguyện vọng nhân dịp năm mới 2019. Rất nhiều nghệ sĩ hoạt động ở TP.HCM trong các lĩnh vực đã đưa ra nhiều ý kiến nóng hổi tính thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tổng kết, cùng với nhạc sĩ Trần Long Ẩn (trái) và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Quốc Việt.
Cả nghệ sĩ và lãnh đạo đều phải trả lời câu hỏi vì sao cải lương chết tức tưởi
Được mời phát biểu đầu tiên, NSND Kim Cương đã làm cả hội trường buổi gặp mặt nóng lên với những phát biểu của mình.
Bà nói 10 năm sau giải phóng, từ 1975-1985 là giai đoạn cải lương thịnh nhất, phát triển rực rỡ nhất. TP.HCM có 18 rạp hát, sân khấu ngày diễn ba suất mà không có vé để bán. Vậy nhưng từ 20 năm trở lại đây cải lương cứ co cụm dần rồi chết tức tưởi, chết không kèn không trống.
“Đây là một câu hỏi không chỉ của nghệ sĩ mà còn là của hàng trăm hàng ngàn khán giả cải lương đã tự hỏi là tại sao cải lương lại chết. Rồi bây giờ là tại sao rạp Hưng Đạo xây xong không sử dụng được. Anh em nghệ sĩ phải ngồi lại với nhau, nhìn lại mình, nhìn ra bên ngoài để trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên, lãnh đạo không thể không trả lời câu đó cho chúng tôi, là tại sao cải lương chết” – Nghệ sĩ Kim Cương nói.
Nghệ sĩ Kim Cương đang phát biểu.
Tiếp đến, nghệ sĩ Kim Cương bức xúc cho biết có những nghệ sĩ về già rất khổ, đau không có chỗ nằm, chết không có chỗ chết. Bởi theo bà, các ngành nghề khác càng già lương càng cao, vị trí càng cao, lại có lương hưu. Nghệ sĩ hát bữa nào ăn bữa đó, không hát là đói, càng già lương càng thấp, càng ít có vai diễn mà lại không có lương hưu.
Bà nói nhiều năm trước cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho bà Bảy Nam, bà Phùng Há miếng đất để làm Nhà dưỡng lão Nghệ sĩ. Tuy nhiên nhiều năm trôi qua, cho đến nay, nơi này chỉ có 20 phòng dành cho các nghệ sĩ già cơ khổ. Nhiều nghệ sĩ bệnh tật, già yếu không biết nương tựa vào đâu để sống muốn xin vào đây thì vướng qui định phải là thành viên Hội Sân khấu, phải trên 60 tuổi và phải được phê duyệt. Hơn nữa nơi này cũng không có đủ phòng cho tất cả nghệ sĩ già yếu ở. Nghệ sĩ Kim Cương bức xúc, nghệ sĩ nào thì cũng đều là những người cống hiến cho xã hội, những con tằm nhả tơ phục vụ khán giả, nếu là qui định cản trở thì phải thay đổi qui định đi.
Kim Cương cũng cho biết bà có những người bạn sẵn sàng cho 20 tỉ đồng để xây thêm phòng ốc cho nghệ sĩ già yếu ở khu đất của Nhà dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM vì nơi này đất trống còn nhiều mà không vì điều kiện gì. Nhưng việc này cũng không làm được vì không được cấp phép, không ai giải quyết. Kim Cương nói: “Nghệ sĩ chúng tôi tự nuôi nhau được, khỏi cần Nhà nước lo. Cái cần bây giờ là cho xây thêm để nghệ sĩ già khổ đau có chỗ nằm, già có chỗ chết mà thôi”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi NSND Trà Giang. Ảnh: Tự Trung.
Ý kiến này của bà đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình, ghi nhận và hứa sẽ quan tâm, giám sát. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra ngay xem khu đất này có vướng qui hoạch nào không. Nếu không có thì giải quyết gấp cho các nghệ sĩ và xem xét việc xây dựng thêm như thế nào cho có sự hợp lý.
Nóng chuyện rạp hát cho TP.HCM và chuyện luật lệ, chính sách
Bức xúc về thực trạng của cải lương, nghệ sĩ Kim Cương đặt câu hỏi và yêu cầu là tại sao không có rạp cho sân khấu diễn, tại sao không có rạp hát cho cải lương? Đồng quan điểm này, nghệ sĩ Kim Xuân cho biết chị ra Hà Nội thấy có rất nhiều nhà hát đẹp, đúng chuẩn dành cho kịch, cải lương, xiếc… mà không có khán giả đến xem. Trong khi đó sân khấu kịch TP.HCM sáng đèn hằng tuần nhiều đêm, nhưng nghệ sĩ lại không có rạp diễn, phải đi thuê mướn hội trường các nhà văn hóa diễn. Nghệ sĩ Kim Xuân mong muốn TP.HCM có những rạp hát đa năng dành cho sân khấu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chào hỏi NSND Lệ Thủy. Ảnh: Ngọc Tuyết.
Diễn viên - MC Quyền Linh đại diện Hội Điện ảnh cũng kể khổ rằng hiện nay các nhà sản xuất phim Việt đang phải ăn chia một tỉ lệ rất lớn với các rạp chiếu phim tư nhân. Có khi nhà sản xuất phim chỉ nhận 3, chủ rạp nhận 7. Trong khi đó nhiều rạp hát, rạp chiếu phim của nhà nước đang biến thành quán cà phê, nhà hàng, trung tâm thương mại… Quyền Linh đề đạt nguyện vọng cần có nhiều rạp chiếu phim của nhà nước đầu tư hơn với một tỉ lệ thuê thích hợp để hỗ trợ cho phim Việt.
Nghệ sĩ Xuân Quang thuộc Đoàn Hát bội TP.HCM cho biết cuộc sống của nghệ sĩ hát bội vẫn đang rất thiếu thốn, nghèo khổ, việc tuyển sinh, đào tạo, truyền nghề rất khó khăn. Ông cho biết hiện Đoàn Hát bội TP.HCM chỉ được giao tạm Rạp Thủ Đô, vì vậy đề nghị Nhà nước nếu có giao rạp thì giao hẳn để đoàn ổn định được trụ sở mới, lo tốt được việc tuyển sinh và đào tạo.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đại diện ngành kiến trúc đề đạt Quốc hội quan tâm đến Luật Kiến trúc sắp thông qua, để làm sao khi luật ra đời sẽ giúp ngành kiến trúc tốt hơn chứ không phải để giúp việc quản lý tốt hơn. Ông cũng đề nghị nên xã hội hóa chuyên môn của ngành kiến trúc, cái gì thuộc về chuyên môn hãy để các nhà chuyên môn làm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi NSND Trần Hiếu. Ảnh: Tự Trung.
Nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng các nhà quản lý hôm nay chưa giúp cho văn hóa đọc phát triển tốt. Ông mong muốn Quốc hội cần quan tâm, tiếp xúc, đề cập lĩnh vực văn học nghệ thuật riêng ra, không gộp chung vào thành khối văn hóa xã hội.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười – Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TP.HCM đề nghị Nhà nước phát huy ngành sơn mài độc đáo thuộc hàng đầu thế giới bằng cách có một Viện nghiên cứu sơn mài. Ông cũng đề nghị Quốc hội quan tâm việc giáo dục kiến thức nghệ thuật cho học sinh từ cấp tiểu học để xóa mù về thẩm mỹ, nâng cao khả năng thẩm mỹ ở người dân.
Những vấn đề trên đã được Chủ tịch Quốc hội đồng tình. Bà nói bà cũng là người thích đọc sách, nghe nhạc, xem phim, xem kịch, xem cải lương nên rất xúc động về tình cảnh những nghệ sĩ khó khăn khi về già. Bà sẽ ghi nhận và xem xét, đề xuất với lãnh đạo để tìm ra những chính sách thích hợp. Quốc hội đang có những thảo luận, xem xét để cho ra những luật riêng thích hợp trong từng lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chủ tịch Quốc hội nói không thể nào để TP.HCM lại không có một rạp hát dành cho cải lương. Bởi với những ngành nghệ thuật truyền thống mang hồn cốt dân tộc Nhà nước cần phải có sự quan tâm. Bà hứa sẽ đề cập chuyện này ở các cuộc họp Quốc hội và giám sát, nhắc nhở TP.HCM.
Với trường hợp cụ thể là rạp Hưng Đạo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã có chỉ đạo ngay các ban ngành liên quan phải xem xét sớm việc có sữa chữa được rạp Hưng Đạo để sử dụng hay không. Nếu không thì cần hoán đổi công trình với các đơn vị khác hoặc tìm quỹ đất khác phù hợp, lên kinh phí phù hợp để làm.
Các nghệ sĩ đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi với kết quả buổi gặp mặt và mong rằng Chủ tịch Quốc hội sẽ có nhiều buổi gặp gỡ, làm việc với văn nghệ sĩ phía Nam nhiều hơn nữa.
Đại diện cho văn nghệ sĩ TP.HCM, nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đã có những kiến nghị gửi đến Chủ tịch Quốc hội: Yêu cầu Nhà nước làm một tổng kết – đánh giá chính thức thành tựu, hạn chế của việc xã hội hóa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hơn 20 năm qua. Đề nghị thành lập Cục Công nghiệp văn hóa, xem văn hóa nghệ thuật là một ngành công nghiệp như các nước phát triển. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho biết hiện nhân sự ở các hội văn học nghệ thuật trong cả nước không nằm trong Nghị quyết 03 ban hành qui định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ nhà nước thì cán bộ, công chức thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật không nằm trong đối tượng của nghị quyết này. Việc này dẫn đến việc nhiều cán bộ trẻ thuộc các hội văn học nghệ thuật dễ bỏ việc do thu nhập thấp. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đề nghị xem xét đưa cán bộ, công chức các liên hiệp hội văn học nghệ thuật vào diện được hưởng chi thu nhập tăng thêm của Nghị quyết 03 nói trên. |