Nghệ sĩ tuổi Nhâm Dần: Cống hiến hết mình và những sự ra đi đầy tiếc nuối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những nghệ sĩ tuổi Nhâm Dần

NSƯT Quốc Khánh (1962) là người Hà Nội gốc. Năm 1978, nam nghệ sĩ thi đỗ khóa đào tạo diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ngày ấy cùng học với anh có một số nghệ sĩ nay đã thành danh như: Trung Anh, Quế Hằng, Đỗ Kỷ...

Bắt đầu từ năm 1982, NSƯT Quốc Khánh bắt đầu tham gia nghệ thuật cả hai lĩnh vực là sân khấu và điện ảnh.

Cho đến nay, khán giả nhớ anh qua những tiểu phẩm hài của “Gặp nhau cuối tuần”, trong những màn tung hứng cùng Quang Thắng - Phạm Bằng - Vân Dung, các bộ phim như: Tết này ai đến xông nhà, Ghen, Trừng phạt, Áo lụa Hà Đông, Những người độc thân vui vẻ.

Đặc biệt, nam nghệ sĩ trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả trong vai Ngọc Hoàng trong chương trình Táo Quân đêm 30 Tết hằng năm.

Nam nghệ sĩ cũng đã từng nhận giải Cánh diều vàng hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc" với vai chàng gù trong "Áo lụa Hà Đông".

Hiện tại NSƯT Quốc Khánh đã bước sang tuổi 60 nhưng vẫn chọn cuộc sống độc thân và cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu.

Nghệ sĩ Thúy Nga tên đầy đủ là Dương Thúy Nga quê ở Hà Nam Ninh. Nữ nghệ sĩ tốt nghiệp ngành thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và được đánh giá là một trong những nghệ sĩ có chất giọng “vàng” đầy quyến rũ.

Năm 1984 – 1988, bà là ca sĩ Đoàn Nghệ thuật Phòng không và gắn với những ca khúc như Thiên thai (Văn Cao) hay Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn).

Bà nổi tiếng với nhiều tuyệt phẩm trong chương trình “Khúc hát trữ tình” do NSƯT Khắc Huề chỉ đạo nghệ thuật. Nữ nghệ sĩ kết duyên cùng nghệ sĩ Khắc Huề sau nhiều phong ba, trắc trở về tình cảm.

Hiện nay, bên cạnh việc tham gia biểu diễn tại Câu lạc bộ Khúc hát trữ tình tại 51 Trần Hưng Đạo, nghệ sĩ Thúy Nga còn là giảng viên Thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

NSƯT Công Ninh tên đầy đủ là Nguyễn Công Ninh (28-1-1962). Tốt nghiệp loại xuất sắc tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II, anh đã giành được suất học bổng du học sang Liên Xô.

Năm 1984 anh sang Liên Xô và theo học khoa Đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Leningrad (nay là Sankt-Peterburg) và lấy được bằng thạc sĩ.

Năm 1990, Công Ninh trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật. Thời gian sau anh được phân công về làm giảng viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II với các lớp học trò nổi tiếng như: Ngọc Tưởng, Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Tiết Cương... hay đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng, Nguyễn Quang Dũng, Nhật Trung (Trung Lùn).

Năm 1995, nghệ sĩ Công Ninh tham gia dựng vở Dạ cổ hoài lang cho sân khấu 5B Võ Văn Tần và vở diễn đã vô cùng thành công khi giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Công Ninh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc.

Năm 1996, anh tham gia phim Ai xuôi vạn lý của đạo diễn Lê Hoàng trong vai lính giải phóng Tấn. Đến 1999, bộ phim giúp anh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

Năm 2011, anh được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Sự nghiệp của Công Ninh đã dựng trên 50 vở kịch sân khấu, truyền hình, đóng nhiều tác phẩm điện ảnh và giành một số giải thưởng.

Hiện tại, anh là chủ nhiệm Khoa đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Nghệ sĩ Hồng Đào tên đầy đủ là Nguyễn Đình Hồng Đào (1962) sinh ra tại Buôn Mê Thuột tỉnh Đắc Lắc.

Nữ nghệ sĩ tốt nghiệp khoa diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cùng lứa với Hồng Vân, Minh Nhí,….

Sự nghiệp của Hồng Đào bắt đầu khi tham gia vở kịch Đêm hoạ mi năm 1982 cùng nghệ sĩ Thành Lộc. Sau đó, nữ nghệ sĩ đầu quân vào Đoàn kịch nói trẻ TP.HCM tham gia vở kịch Tôi chờ ông đạo diễn (1985) của Lê Hoàng.

Sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng là nơi nữ nghệ sĩ thăng hoa với những vở diễn ngày đầu sự nghiệp như: Ngôi nhà không có đàn ông, Giấc mộng kê vàng, Lôi vũ...

Khi sự nghiệp đang trên đà phát triển, Hồng Đào đã sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình năm 1994.

Ở Mỹ, Hồng Đào cùng chồng là Quang Minh trở thành bộ đôi nghệ sĩ hài hải ngoại nổi tiếng hoạt động cho các trung tâm như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn.

Từ 2015, cô thường xuyên về Việt Nam tham gia nhiều hoạt động hơn và góp mặt trong các chương trình như Ơn giời cậu đây rồi, Sàn chiến giọng hát, Ca sĩ bí ẩn, Bí mật đêm chủ nhật

Ngoài ra nữ nghệ sĩ cũng tham gia nhiều dự án phim điện ảnh như Thưa mẹ con đi, Cua lại vợ bầu, Ngôi nhà bươm bướm… và phim truyền hình như Phượng Khấu

Hiện tại nữ nghệ sĩ đang sinh sống tại Mỹ cùng hai con gái và tách riêng hoạt động với nghệ sĩ Quang Minh sau khi cả hai ly hôn vào năm 2019.

Nghệ sĩ Quang Đạt tên thật là Nguyễn Đức Đạt sinh năm 1962, quê gốc ở Đà Nẵng.

Nam nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều vai trò như đạo diễn, diễn viên, cố vấn võ thuật, hoạ sĩ thiết kế… cho hơn 100 bộ phim lớn nhỏ khác nhau, đa phần là phim nhựa.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Quang Đạt cũng tham gia nhiều dự án phim và gặt hái được nhiều thành công như Đồng tiền xương máu, Cảnh sát hình sự, Cô gái đất đỏ…

Bên cạnh việc cống hiến nghệ thuật, nam nghệ sĩ còn có tấm lòng giúp đời, lại đại sứ UNESCO, tổ chức đấu giá, thiện nguyện cho những bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay những mảnh đời bất hạnh.

Diễn viên Phương Dung tên đầy đủ là Lê Thị Phương Dung (1962). Cô sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1982, nữ diễn viên thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Sau khi ra trường, Phương Dung đầu quân về đoàn kịch nói của NSND Kim Cương và tỏa sáng nhanh chóng khi được NSƯT Thành Trí giao cho vai nặng ký trong Cơn bão cuối cùng.

Tiếp đến, cô lại ghi dấu ấn với khán giả khi vào vai Tào Thị trong vở Phạm Công - Cúc Hoa. Với gương mặt sắc sảo cùng giọng lồng tiếng của nghệ sĩ Tú Trinh đã khiến vai diễn của cô trở nên đanh đá và bị nhiều khán giả ghét. Tuy nhiên, sau đó nữ nghệ sĩ đã bỏ nghề để chạy theo tình yêu nhưng trớ trêu thay mối tình này cũng dang dở.

Vì xấu hổ, Phương Dung đã mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Sau đó, nhờ một người thầy, cô tham gia vào đoàn kịch Bông Hồng và từ đây cô đã trở lại con đường nghệ thuật.

Ngoài việc diễn hài cùng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, cô còn liên tục tham gia mọi vai diễn với mong muốn chỉ cần được làm nghề. 

Gần hơn 40 năm làm nghệ sĩ, ngoài huy chương bạc của Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008 trong vở Trai Nhảy. Cô còn trở thành nghệ sĩ hài được yêu thích nhất tại HTV Awards năm 2009 do khán giả bình chọn.

Hiện Phương Dung đang làm việc tại Sân khấu kịch Idecaf. Cô cũng là 1 trong số ít nghệ sĩ lớn tuổi đắt show hiện nay, góp mặt hầu hết ở các dự án phim truyền hình, sitcom, gameshow….

Hữu Nghĩa tên thật Trần Hữu Nghĩa (sinh 1-1-1962) là một nam diễn viên hài, diễn viên kịch và diễn viên điện ảnh quê gốc ở Tiền Giang.

Năm 1980, anh thi vào trường Cao Đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Sau khi ra trường, Hữu Nghĩa cùng với Hữu Châu, Hồng Vân, Hồng Đào lập thành nhóm 4H thường xuyên xuất hiện trong các chương trình Trong nhà ngoài phố do HTV sản xuất.

Ngoài tham gia kịch, Hữu Nghĩa còn tham gia nhiều phim truyền hình cũng như phim cổ tích.

Năm 1996, anh tiếp tục theo học lớp đạo diễn điện ảnh của trường Cao đẳng Sân khấu- Điện ảnh. Anh từng có thời gian qua Hoa Kỳ làm việc với Trung tâm Vân Sơn.

Hiện tại, Hữu Nghĩa là một trong những trụ cột của Sân khấu kịch Sài Gòn.

Những nghệ sĩ tuổi Nhâm Dần đã ra đi mãi mãi

Nghệ sĩ Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang sinh năm Nhâm Dần 1962.

Nam nghệ sĩ tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cùng lớp với một số nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Chiều Xuân, đạo diễn bùi Thạc Chuyên, diễn viên Tú Oanh….

Nghệ sĩ Giang Còi ghi dấu ấn với khán giả từ series hài Gặp nhau cuối tuần cũng như các tiểu phẩm hài đóng cùng với Quang Tèo và cố nghệ sĩ Văn Hiệp. Ông có khả năng ứng biến linh hoạt, đa tính cách, hài hước bởi những vai xã trưởng, lý trưởng ẩm ương.

Trước khi nổi tiếng, nghệ sĩ Giang Còi được biết đến với vai diễn phụ khi tham gia các bộ phim truyền hình Việt Nam như: Cựu chiến binh, Khi đàn chim trở về, Chuyện vặt gia đình, Cảnh sát hình sự, Chuyện đời thường,...

Nghệ sĩ Giang Còi là một người luôn say mê và nghiêm túc với nghề. Không chỉ đóng phim, ông còn đi quay, làm đạo diễn, viết kịch bản nên có ít thời gian nghỉ ngơi.

Tháng 1-2021, nghệ sĩ Giang Còi bất ngờ cho biết mình bị ung thư. Dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng ông vẫn thường xuyên chia sẻ những video tích cực với tinh thần lạc quan, khiến khán giả yêu mến.

Sau một thời gian điều trị, nghệ sĩ Giang Còi đã qua đời vào ngày 4-8-2021 tại nhà riêng, ở Hà Nội.

Nghệ sĩ Văn Thành tên thật là Nguyễn Tiến Thành sinh năm 1962 tại Hà Nội. Nam nghệ sĩ tốt nghiệp trường Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội khoá 1 (1980-1985) cùng thời với NSƯT Chí Trung, NSND Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng…

Nam nghệ sĩ được đánh giá là người yêu nghề, bất kể là vai lớn hay nhỏ đều không ngại và luôn dồn tâm sức một cách nghiêm túc. Nghệ sĩ Văn Thành cũng một trong những diễn viên rất triển vọng của Nhà hát Tuổi trẻ những năm 1990 cho tới những năm 2000 với rất nhiều vai dễn thứ chính, vai phụ để lại ấn tượng.

Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ còn ghi dấu ấn ở lĩnh vực điện ảnh với vai đại tá Thanh trong bộ phim Tiếng cồng định mệnh  (2005) do điện ảnh quân đội sản xuất.

Trong lĩnh vực truyền hình, nghệ sĩ Văn Thành cũng tham gia nhiều phim truyền hình được khán giả yêu thích vào những năm 90 như Chuyện phố phường, Sa ngã, Sống mãi với thủ đô…

Tiếc rằng tài năng và sự lao động nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Thành sớm tắt sau khi ông lâm vào  bệnh tật, sức khoẻ sa sút. Ngày 28-2, ông qua đời lặng lẽ ở tuổi 60 tại Hà Nội vì bị tai biến.

NSND Anh Tú tên đầy đủ là Phạm Anh Tú, sinh năm 1962 và tốt nghiệp Khoa diễn viên năm 1981, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh.

Sau khi ra trường, nam nghệ sĩ về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, khởi đầu nghiệp diễn cùng lứa diễn viên tài năng, thế hệ đầu tiên như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung...

Trong sự nghiệp diễn xuất, NSND Anh Tú gây tiếng vang với hàng loạt vai diễn trong các vở kịch như Vũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc, Bến bờ xa lắc, Âm mưu và tình yêu...

Trước khi gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú từng giữ chức Trưởng đoàn Kịch I Nhà hát Tuổi trẻ từ 1997 cho tới năm 2013.

Trong hơn 30 năm với cương vị quản lý và đạo diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng một loạt vở diễn: Cô gái đội mũ nồi xám, Nhà có năm anh em trai, Mùa hạ cay đắng, Mùa yêu đương và một loạt chùm kịch thiếu nhi: Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh, Cây khế…

Từ vị trí Trưởng đoàn kịch, năm 2013 anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật - Nhà hát Kịch Việt Nam. Tháng 4-2018, anh nhậm chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

Không những được yêu thích trên sân khấu, NSND Anh Tú còn khiến khán giả ấn tượng với nhiều vai nặng ký, đa tính cách trong các phim truyền hình như: Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt...

Nghệ sĩ Anh Tú được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016.

Ngày 20-12-2018, NSND Anh Tú qua đời tại Hà Nội sau thời gian dài chữa trị căn bệnh tiểu đường biến chứng khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khán giả không khỏi xót xa, tiếc nuối.

(Nguồn ảnh: Tư liệu và FBNV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm