Những nhân chứng tiêu biểu và các hiện vật đặc trưng nhất của xã hội Việt Nam 30 năm trước sẽ xuất hiện trong chương trình. Cùng với chương trình, khán giả sẽ thực hiện chuyến hành trình tìm lại ký ức của một giai đoạn “gừng cay muối mặn” với những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng sống, trải nghiệm trong hành trình ấy: Vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền, nhà báo Vũ Công Lập, nhà thiết kế Đức Hùng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Quốc Trọng,...
Những mảnh ký ức của các khách mời sẽ đưa khán giả tới không khí hân hoan rộn rã ở khu tập thể với các gia đình chuẩn bị luộc bánh chưng và nấu cỗ tết, cắm hoa trang trí, trẻ con thử áo mới, hàng xóm cắt tóc ngoài sân. Ở vòi máy nước, nhà thì rửa lá dong, nhà thì nhớn nhác vì mất sổ gạo. Tết nhất đơn sơ, tằn tiện; thức ăn đạm bạc; cái bếp nhỏ hẹp, nước ri rỉ mãi mới chảy ra một giọt... Khán giả chắc hẳn sẽ vô cùng bất ngờ trước câu chuyện của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền về đêm tân hôn trong căn phòng vỏn vẹn 7 m2 với... ba cặp vợ chồng khác. Khó khăn là thế nhưng nghe tin tối nay có liên hoan văn nghệ là mọi cư dân lại cùng hồ hởi kê dọn không gian chung, trang hoàng sân khấu.
“Tết bao cấp” gắn chặt với đủ mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống khốn khó nói chung... Tuy vậy, dẫu trong muôn vàn gian khổ, bố mẹ, ông bà vẫn luôn nhường cơm sẻ áo, dành dụm hết mọi điều tốt đẹp cho con cháu. Còn nếu mất điện, làng xóm lại nhen thêm tình nghĩa “tối lửa tắt đèn” có nhau, quây quần chung vui trong những cái “tết đèn dầu” ấm áp sum vầy...
Với kỳ vọng sẽ tái hiện một không gian “bao cấp” chân thực nhất, êkíp thực hiện chương trình đã mời đến đạo diễn Quốc Trọng - người từng thành công với bộ phim về thời kỳ này Bí thư tỉnh ủy. Cả một khu tập thể cũ kỹ, những cửa hàng mậu dịch, những chiếc máy nước cũ,... sẽ góp phần khơi gợi lại những miền cảm xúc ăm ắp chỉ chực trào ra của mỗi người xem truyền hình. Và tết là hy vọng được dẫn dắt bởi nhà báo - TS Tạ Bích Loan, MC Quang Minh.