Ngày 14-1, ông Đoàn Đức Hạnh (ngụ phường 14, quận 3, TP.HCM) cho biết Công an TP.HCM vừa tiếp tục mời ông đến lấy lời khai liên quan đến tố giác “đại tá” công an Trần Anh Vũ đã chiếm đoạt của ông gần 4 tỉ đồng.
Công an đề nghị khởi tố
Được biết vụ việc kéo dài gần hai năm qua nhưng đến nay quan điểm giữa cơ quan điều tra (CQĐT) và VKSND TP.HCM vẫn không thống nhất với nhau. Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, tháng 8-2014, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) đã có thông báo kết quả điều tra bước đầu của vụ việc này.
Cụ thể, theo trình bày của ông Hạnh, ông biết ông Vũ là tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vũ Hùng (Củ Chi) nhưng ông Vũ tự giới thiệu với ông Hạnh là đại tá công an đang công tác tại… Sở Ngoại vụ TP.HCM (!?). Lần đó, ông Vũ “bỏ nhỏ” với ông Hạnh là UBND TP.HCM có đợt bán hóa giá nhà cho cán bộ trên đường Trần Quốc Thảo và Nguyễn Thông, quận 3, vợ chồng ông Hạnh nếu muốn mua thì gom gấp tiền nộp.
Tin tưởng, vợ chồng ông Hạnh đã vay mượn đưa cho ông “đại tá” hơn 5,5 tỉ đồng nhưng chờ mãi vẫn không thấy mặt mũi hai căn nhà. Theo PC45, nghi ngờ nên ông Hạnh đã gọi điện thoại cho “đại tá” Vũ nhiều lần để ghi âm, sau đó gửi đơn tố giác đến CQĐT.
Sau khi bị PC45 triệu tập, ông “đại tá” mới chịu trả nhỏ giọt cho ông Hạnh và hiện vẫn đang nợ gần 4 tỉ đồng. Xác định ông Vũ đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền nên CQĐT đã tiến hành ghi lời khai của những người liên quan. Những người này khẳng định không quen biết ai tên Trần Anh Vũ và cũng không giới thiệu ai mua hóa giá nhà ở. Theo CQĐT, hành vi của Vũ đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tháng 6-2014, CQĐT đã chuyển hồ sơ vụ việc đến VKSND TP.HCM để trao đổi thống nhất theo hướng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt giam ông “đại tá” công an. Thế nhưng đến nay đã hơn một năm, phía VKS vẫn chưa có văn bản phúc đáp!
Chiếc xe Lexus đắt tiền mà ông Vũ thường đi lại. Ảnh: PN
“Tôi đang khánh kiệt vì nợ”
Ông Hạnh cho rằng vụ việc ông bị lừa đảo đã quá rõ nhưng hồ sơ cứ chuyển đi chuyển lại. Khổ nỗi nữa là hiện hằng tháng ông phải trả tiền lãi mẹ lãi con, nghề chụp ảnh dịch vụ ế ẩm khiến gia đình ông gần như khánh kiệt. Ông Hạnh băn khoăn CQĐT chỉ ghi lời khai của người liên quan, còn việc ông Vũ xưng là đại tá công an vẫn chưa cho văn bản trả lời là thật hay giả mạo.
“Đến giờ tôi vẫn chưa biết ổng là đại tá thiệt hay dỏm nhưng ngày nào ông Vũ cũng đi lại bằng xe Lexus đắt tiền. Mỗi lần tôi gọi điện thoại, ông ta vẫn còn “nổ” thấu trời xanh” - ông Hạnh cho biết.
Trong một đoạn ghi âm, ông Hạnh trách vì sao lại tắt điện thoại không liên lạc được, lập tức ông “đại tá” nổ: “sếp lớn ngoài Hà Nội vô nên phải đưa đi công tác tùm lum, có bữa qua tới Campuchia luôn”.
Ông “đại tá” giải thích vì sao không liên lạc bằng điện thoại với ông được: “Anh đi với mấy ổng không được báo về nhà, đâu dùng điện thoại riêng tư được… Thiệt tui sợ lắm, anh em mình nói thẳng ra là tình cảm, tiền thì ai cũng cần nhưng không phải là tất cả…”.
Thậm chí khi vụ việc được ông Hạnh tố cáo ra cơ quan CSĐT, khi ông Hạnh gọi điện thoại vẫn bị ông này hù dọa: “Lúc trước tui đã nói với anh rồi, chuyện này là chuyện rất bí mật, chuyện lớn chứ không phải chuyện nhỏ (chuyện mua hóa giá nhà - PV). Nếu tụi tui là cán bộ mà anh thưa là người ta bắt tui liền. Nhất là chuyện này kéo dài rất nhiều, dính nhiều ban bộ lớn. À mà anh biết dính nhiều ban bộ lớn thì anh biết chuyện gì nó sẽ xảy ra không…”.
Ông “đại tá” nổ nói tiếp: “Không phải giỡn đâu, đó là vậy”.
Chưa thể kết luận lừa đảo Theo VKSND TP.HCM, tháng 11-2015, VKS đã có văn bản báo tin cho vợ chồng ông Đoàn Đức Hạnh liên quan vụ việc này. Văn bản cho biết: “Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ, thấy rằng việc Vũ chiếm đoạt tiền của ông Hạnh là có thật. Tuy nhiên, chưa đủ chứng cứ trực tiếp để kết luận hành vi lừa đảo của Trần Anh Vũ. VKSND TP.HCM đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo của Vũ”. |