Nửa tháng qua, nhiều học viên của Trung tâm Anh ngữ Golden Voice (cơ sở tại đường Trương Công Định, TP Vũng Tàu) đã nhiều lần đến trung tâm này yêu cầu trả lại tiền học do nghi vấn bằng giả.
Hoang mang không rõ bằng thật hay giả
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, từ 8-8-2017 đến nay, rất nhiều học viên (là giáo viên, cán bộ quản lý một số trường học trên địa bàn TP Vũng Tàu) - những người từng đóng tiền để đăng ký tham gia kỳ thi cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh theo khung bậc ngoại ngữ Việt Nam tại Trung tâm Golden Voice đã tới yêu cầu gặp giám đốc trung tâm. Họ yêu cầu trung tâm trả lời rõ thông tin giấy chứng nhận đã cấp cho họ là giả hay thật; nếu giả phải trả lại học phí đã đóng.
Chị L., một giáo viên, cho hay: Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, chị và nhiều giáo viên khác cần có giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh để bổ túc vào hồ sơ. Nghe Trung tâm Golden Voice quảng cáo có liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để học và thi, chị đã đóng 12 triệu đồng để tham gia.
Sau đó chị L. có tham gia ôn thi tại trung tâm và thi trực tiếp tại Vũng Tàu, sau đó được cấp bằng hồi tháng 4-2017. “Mong muốn của chúng tôi là học thật, thi thật để có chứng chỉ chứ không phải mua bằng giả để bổ túc hồ sơ. Mới đây, nghe thông tin bằng đó là giả, tôi hoang mang vô cùng vì tình ngay lý gian. Tôi đã cùng nhiều người khác đến trung tâm. Trung tâm hứa cho xin lại bằng và sẽ trả tiền”.
Anh D., có người thân đã tham gia kỳ thi tại trung tâm, được cấp chứng chỉ trao đổi thêm: “Quản lý của trung tâm chỉ nói chứng nhận đã cấp có chút trục trặc, hứa trả lại tiền và cho xin lại bằng. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ lại để làm bằng chứng và mong sự việc này được cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Việc dùng bằng giả là rất nguy hiểm. Nếu có việc gì các học viên sẽ là người bị ảnh hưởng, mất việc…”.
Một giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh mà Trung tâm Golden Voice cấp cho học viên. Ảnh: HP
Trung tâm Golden Voice. Ảnh: HP
Thừa nhận liên kết “chui” với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Sau nhiều ngày tìm cách liên lạc, PV đã gặp được bà Nguyễn Liên Mỹ Hạnh, đại diện Trung tâm Golden Voice tại Vũng Tàu. Bà Hạnh cho hay không tránh né PV hay các học viên. Tuy nhiên, do sức khỏe không tốt nên đôi lúc không nghe điện thoại hoặc trực tiếp gặp học viên được. Bà Hạnh thừa nhận trong gần nửa tháng qua, các học viên đã đăng ký thi để cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tại Trung tâm Golden Voice có đến trung tâm để phản ánh nghi vấn bằng giả và đòi lại tiền. Bà cũng đã cung cấp hồ sơ, danh sách học viên, bằng cấp cho phía công an.
Theo bà Hạnh, từ hơn một năm nay, Trung tâm Golden Voice có hợp tác với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để nhận ôn thi, tổ chức thi cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh theo khung bậc ngoại ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, việc hợp tác không có hợp đồng và sự đồng ý của cơ quan chức năng. “Thường thì Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông báo ngày, giờ sẽ tổ chức thi tại Vũng Tàu, chúng tôi liên hệ để đăng ký, sau đó nhận học viên có nhu cầu, thu tiền tham gia thi. Hai lần đầu trường tổ chức cho học viên lên TP.HCM thi tại trường. Bốn lần sau đó tổ chức tại Vũng Tàu. Đến nay khoảng 70 người đã nhận bằng. Chúng tôi làm việc trực tiếp với cô P., cán bộ của trường. Việc nộp tiền và nhận bằng đều qua cô P. Đến nay khi sự việc phát sinh như vậy, cô P. trao đổi và chia sẻ sẽ hỗ trợ tiền để trung tâm trả lại cho học viên. Cô P. đã chuyển một số tiền cho trung tâm. Tuy nhiên, trung tâm chưa thể trả hết cho học viên”.
Khi được PV hỏi: “Nếu cô P. và trung tâm khẳng định bằng cấp cho các học viên là thật thì khi có dư luận như vậy, sao Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô P. và trung tâm không tổ chức họp với các học viên, khẳng định bằng là thật để học viên yên tâm? Sao trung tâm lại chọn cách thu lại bằng và trả lại tiền và khi trung tâm đưa tiền của học viên cho cô P. để nộp cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có nhận được hóa đơn của trường hay không?”- bà Hạnh chưa trả lời được.
Bà Hạnh chỉ khẳng định giấy chứng nhận là do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cấp và bà có liên kết “chui” với trường thông qua cô P. Bà Hạnh cũng cho hay: Tháng 7-2017, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có kiểm tra trung tâm và phát hiện việc liên kết chưa đúng này, yêu cầu trung tâm dừng nhận học viên. Trung tâm đã chấp hành.
Công an tỉnh làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Khi nhận được thông tin phản ánh từ các học viên, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập đoàn thanh tra phối hợp với công an tỉnh đi kiểm tra, xác minh sự việc. Trong ngày 25-8, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để tìm hiểu thông tin liên quan. Bước đầu lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay: Theo quy định, khi trung tâm hay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM muốn liên kết để tổ chức ôn thi, thi cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh cho các học viên tại Bà Rịa-Vũng Tàu thì cả hai bên phải xin phép Sở GD&ĐT. Khi được Sở đồng ý, giữa hai bên phải có hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, đến nay Sở chưa cấp phép cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được liên kết với trung tâm nào tại tỉnh. Phía Trung tâm Golden Voice cũng chưa xin phép để được liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Với nghi vấn bằng giả, Sở phải chờ kết luận của công an. Đoàn thanh tra cũng sẽ sớm có kết luận, đưa ra hướng xử lý để báo cáo UBND tỉnh và thông tin tới dư luận, báo chí để các học viên đã theo học tại trung tâm này yên tâm. _______________________________ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Không liên kết với Golden Voice Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định nhìn bằng mắt thường phát hiện ngay đó không phải là phôi chứng chỉ của trường. Đồng thời, trường hoàn toàn không có liên kết hay quan hệ nào với Trung tâm ngoại ngữ Golden Voice. Theo ông Trung, sự việc đang chờ cơ quan chức năng xác minh, xử lý và kết luận. Nhà trường mong muốn sự việc được xác minh và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. “Hiện trường đang hoàn thiện hệ thống công khai thông tin về văn bằng, chứng chỉ do trường cấp lên website nhà trường để học viên và các tổ chức sử dụng kết quả tiện tra cứu và xác minh tính hợp pháp của các văn bằng, chứng chỉ” - ông Trung thông tin thêm. P.ĐIỀN |