Kình ngư Huy Hoàng là một trong số ít VĐV Việt Nam đạt HCV và có thể cạnh tranh với các đối thủ ở sân chơi châu Á. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Theo phân tích của Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn, thành tích các VĐV VN tiệm cận hoặc có thể giành HCV Asiad, hoặc đấu trường lớn hơn là Olympic còn rất khiêm tốn, đếm chưa đầy một bàn tay.
Ông Phấn đơn cử trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (từng vô địch Trẻ Olympic, đoạt 5 HCV SEA Game 31), là VĐV VN sáng cửa giành huy chương nhất tại Asiad 19. Tại buổi gặp gỡ giới truyền thông ngày 23-5, ông Phấn chia sẻ: “Nhưng với cách đầu tư như hiện nay, 20 năm nữa bơi lội VN cũng không có huy chương tại đấu trường Olympic”.
Theo giới chuyên môn thì sự đầu tư dàn trải của TTVN khiến số HCV tăng vọt ở sân chơi Đông Nam Á nhưng lại là lãng phí tài chính lẫn nhân lực so với các nước trong khu vực.
Cũng cần đặt ra số liệu ở sân chơi cao hơn SEA Games là Asiad, nơi mà TTVN hơn Thái Lan đến hơn 100 HCV SEA Games nhưng lại không thể qua mặt đối thủ này ở giải thuộc khu vực châu Á. Còn bước sang đấu trường Olympic thì thua xa Thái Lan, Philippines hay Indonesia.
Với cách đầu tư dàn trải và đầu tư trọng điểm, rõ ràng rất cần phải tính toán lại rằng TTVN đầu tư cho các giải Đông Nam Á hay để bước ra sân chơi châu Á (Asiad) và thế giới (Olympic)?
Đấy cũng là bài học mà Thái Lan và Indonesia từng “thấm” khi nhiều lần nhất toàn đoàn SEA Games, kể cả SEA Games không diễn ra trên đất nước mình nhưng khi hụt hẫng ở đấu trường châu Á và thế giới thì những nhà làm chiến lược thể thao đã tính lại cách đầu tư sao cho hiệu quả vượt khỏi tầm Đông Nam Á.