Nhưng hãy nhìn CLB Muangthong của Thái Lan đang dự AFC Champions League thì sẽ thấy sự khác biệt lớn giữa hai nền bóng đá.
Muangthong sau ba vòng đấu đang xếp nhì bảng với đội hình có hơn một nửa là tuyển thủ quốc gia. Nhiều năm nay Muangthong và Buriram là thế lực lớn của bóng đá Thái Lan. Họ kèn cựa nhau về thành tích trong nước đến đấu trường châu lục. Với hai đội này, việc có suất đá AFC Champions League là một vinh dự lớn, là cơ hội vươn ra biển lớn. Và tất nhiên là đội tuyển quốc gia Thái Lan cũng trưởng thành và lớn mạnh là nhờ những CLB kiểu Muangthong và Buriram.
Qua ba trận vòng bảng, Muangthong đến Úc làm khách trước Brisbane Roar (hòa 0-0), về nhà thắng CLB Kashima Antlers của Nhật 2-1, sang Hàn Quốc hòa Ulsan Hyundai 0-0.
Lãnh đạo CLB Muangthong(trái) trong một lần tiếp đón cố nhà báo Minh Hùng của Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: CTV
Muangthong ở một bảng đấu khá nặng và phải đối đầu với ba CLB lớn từ nền bóng đá mạnh hàng đầu châu lục. Các tuyển thủ Thái Lan như Dangda, Bummathan, Chanatip, Adisak, Kawin… cũng rất xem trọng đấu trường này bởi đó là mặt trận để họ khẳng định chất lượng lẫn giá trị của mình và CLB của mình nữa.
Trong khi đó, nhiều năm qua các CLB B. Bình Dương và Hà Nội T&T (nay là Hà Nội) thường có 1,5 suất đá Champions League nhưng lại rất tính toán. Hà Nội thì chủ trương buông nửa suất của mình qua các vòng play off, còn B. Bình Dương thì chỉ dự sáu trận vòng bảng mà thôi.
Năm nay hai CLB Việt Nam dự AFC Cup gồm Hà Nội và Than Quảng Ninh. Và thành tích của hai đại diện Việt Nam còn tệ hại hơn những năm trước. Thậm chí là có đội còn có tư tưởng đưa trẻ ra đá bỏ hoặc đến đâu hay đến đó, còn cầu thủ chủ lực thì cất để dành đá V-League.
Nhìn những tuyển thủ Thái Lan trong màu áo Muangthong đá Champions League khi họ đối đầu với các đội Úc, Hàn Quốc, Nhật… đã cho thấy sự khác biệt lớn và khác biệt đấy cũng thể hiện hai nền bóng đá.
Chừng nào thái độ của các CLB thực sự chuyên nghiệp thì hãy mong đội tuyển của ta và nền bóng đá của ta bằng hoặc vượt mặt Thái Lan.