Ngô Tất Tố - người viết báo ở một tầm văn hoá cao

(PLO)- Với nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà, tên tuổi của Ngô Tất Tố vẫn sống mãi trong lòng độc giả.

Ngày 20-4, tại Hà Nội, đã diễn ra “Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố”.

Lễ kỷ niệm 130 ngày sinh của nhà văn Ngô Tất Tố có sự tham dự của gia đình và nhiều nhà văn lớn. ẢNH: MINH TRÚC

Ngô Tất Tố, một nhà văn hiện thực kiệt xuất

Cùng với những tác giả lớn thời bấy giờ như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... tác giả Ngô Tất Tố đã miêu tả và phản ánh hiện thực đất nước ta một cách chân thực nhất.

Sinh năm 1893, mất năm 1954, nên toàn bộ sự nghiệp viết của Ngô Tất Tố nghiêng về trước 1945. Trong chưa đầy 30 năm, tính từ khi vào nghiệp văn, ông đã để lại một khối lượng trang in không mỏng, gồm các sáng tác trên rất nhiều mặt hoạt động mà một cây bút nếu không đủ vốn, đủ hành trang, đủ nhiệt tâm và bản lĩnh thì khó mà vươn tới được.

Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Ông từng dịch và giới thiệu Nho giáo, Lão Tử, Mao Tử, Kinh dịch... Tuy nhiên, nhà nho lão thành lại vô cùng sắc sảo trong các vấn đề xã hội. Một Ngô Tất Tố hiện đại qua hàng loạt bài báo với tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, quyền sống cho người nông dân bị áp bức khổ cực.

Một Ngô Tất Tố hiện đại với những tiểu thuyết phóng sự phản ánh sâu sắc chân thực những bức tranh quê, những sự đổi đời của văn hóa phong kiến suy tàn sang thời kỳ bút lông chuyển sang bút sắt.

Các tác phẩm: Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng của ông đều có một giá trị tư tưởng, một ý chí chỉ đạo với phong cách qua nhiều thể loại khác nhau.

Bên cạnh viết văn về nông thôn, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Chính từ báo chí mà độc giả đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố.

Theo GS Phong Lê, gần như số đông các nhà viết văn tại Việt Nam - ai cũng có vốn hiểu biết, vốn sống, vốn chia sẻ, cảm thông với người nông dân.

“Tôi nghĩ có lẽ chưa ai đạt đến độ của Ngô Tất Tố. Hiểu và thương yêu đến trân trọng; Hiểu và lo lắng đến đau đớn và hiểu với bao khổ sở và thất vọng như trong Việc làng”- GS Phong Lê nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Chúng ta kỷ niệm một nhà văn lớn, những tác phẩm của Ngô Tất Tố để lại giá trị sâu sắc trong lòng bạn đọc. Ở đó, ông đã đứng về phía ánh sáng của lương tri để chống lại bóng tối như trong tác phẩm “Tắt đèn”, “Lều chõng”.

Ông chính là một ví dụ xuất sắc trong sự sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực phê phán xã hội. Điều này cho đến bây giờ vẫn cần thiết trong những trang viết của các nhà văn khác”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. ẢNH: MINH TRÚC

'Cẩm Hương Đình' tái bản sau 100 năm

Trong dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố, con gái nhà văn, bà Ngô Thị Thanh Lịch chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về người cha đã khuất: “Một trong những việc làm của bố làm tôi nhớ là việc ông đã tha thứ cho một người làng ăn trộm ngô của nhà. Hôm đó, dân làng muốn phạt kẻ trộm bằng đòn roi nhưng ông đã thông cảm, cho rằng vì hoàn cảnh đói kém, đến đường cùng họ mới phải làm vậy mà tha lỗi”.

"Cẩm hương đình", một bản dịch tiếng Việt đặc sắc của nhà văn Ngô Tất Tố được tái bản sau 100 năm. Ảnh: MINH TRÚC

Nhân dịp này, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã giới thiệu tác phẩm “Cẩm Hương đình” của Tống Lang, do Ngô Tất Tố dịch - ấn bản kỷ niệm 100 năm bản dịch đầu tiên ra mắt.

“Cẩm Hương đình” đề cập đến nỗi khổ đau và khát vọng hạnh phúc của con người trong một thời đại đầy xáo trộn, cũng như giá trị sống đích thực của con người.

Cuốn sách được nhà văn Ngô Tất Tố dịch năm 1915, in và phát hành tại Hà Nội lần đầu năm 1923.

Bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố đã góp phần mở rộng biên độ của tiếng Việt trong diễn dịch ngôn ngữ văn học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới