Tọa lạc trên núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chùa Ba Vàng có tên chữ là Bảo Quang Tự, nghĩa là ngôi chùa có ánh sáng quý.
Vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền Việt Nam. Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử.
Chính điện (Đại Hùng Bảo Điện) như một cái ngai khổng lồ, lưng ngai tọa hướng Bắc, dựa vào ngọn núi cao nhất, lớn nhất, vững chãi nhất. Hai bên trái, phải là hai ngọn núi thấp dần tượng trưng cho hai tay ngai: tay trái là hướng Đông – Thanh Long, tay phải là hướng Tây – Bạch Hổ. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện, nơi trung tâm hài hòa, điểm hội tụ tâm linh, một điểm sáng của trí tuệ không ngừng phát triển.
Do nhiều biến cố lịch sử, mãi đến năm 1706, Đại Thiền sư Tuệ Bích mới xây dựng nên Bảo Quang Tự trên núi Thành Đẳng, thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. Song do thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, ngôi chùa đã bị vùi lấp, chỉ còn lại rừng cây bao phủ.
Năm 1987, một lão nông địa phương đã phát hiện ra những phế tích còn lại của ngôi chùa. Các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã vào cuộc và thu thập được những hiện vật lịch sử rất có giá trị như: Cây hương đá (thiên đài trụ) được tạc bằng đá nguyên khối, trên đỉnh có hình bát sen; bia đá được làm vào thời Lê Dụ Tông (1706).
Năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh – nguyên là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã về trụ trì chùa Ba Vàng. Đại đức cùng các đệ tử, du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành trùng tu ngôi chùa lần thứ tư với quy mô hiện đại và được công nhận kỷ lục là ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam.
Chùa Ba Vàng có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) địa hình cứ hạ đoạn tạo thành thế Thanh long (rồng chầu), Bạch hổ (hổ phục). Chín con suối (cửu long uốn khúc) tạo cảnh phong thủy hữu tình, là thắng duyên trên con đường tiến tu giác ngộ, giải thoát.