Cái tên Hạ cuối tình đầu với hình ảnh poster các cô học sinh mặc áo dài trắng ôm cặp rất dễ làm người ta liên tưởng đến những chuyện tình học sinh lãng mạn, đẫm nước mắt thời thập niên 1990-2000 như trong truyện của các nhà văn áo trắng Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh… hoặc những phim như Nước mắt học trò Lý Hùng, Diễm Hương đóng.
Nhưng không! Hạ cuối tình đầu là phim về lứa tuổi học trò cấp 3 thời điện thoại thông minh, mạng xã hội Facebook chi phối cuộc sống hôm nay.
Poster phim Hạ cuối tình đầu.
Các nữ sinh trong phim không dịu dàng, e ấp trong tà áo dài trắng, mà bộ ba nữ sinh vai chính trong phim táo bạo ra đường "cua trai", mê trai đẹp đến nỗi bị bẫy, rồi căm hận, lên mạng thả thính để trả thù.
Dĩ nhiên, với những cô gái trẻ non nớt vừa mới rời ghế nhà trường thì những trò trả thù, mưu mẹo còn rất ư là ngây thơ. Vậy nên các cô tiếp tục sụp vào cái bẫy của chính mình chứ không phải con mồi.
Nhân vật nữ chính bị vấp ngã đầu đời khi sử dụng mạng xã hội để trả thù con trai.
Như một trò chơi, như một sự quậy phá ngông cuồng của tuổi trẻ nhưng rồi chính những chàng trai, cô gái trong phim cũng lần lượt trải qua những rung động, xao xuyến đầu đời rất thật của mình. Tiếc rằng những rung động đó thay vì để lại những cảm xúc đẹp lẽ ra phải có của tình cảm đầu đời lại gây ra những vết thương do sự vụng dại, ngông cuồng của tuổi trẻ.
Ba nhân vật chính trong phim với nhiều sự nổi loạn của tuổi trẻ ngông cuồng.
Với cái ý chỉ ra những ngông cuồng, những vấp ngã không nên có của tuổi trẻ, những cạm bẫy, những tai nạn các bạn trẻ dễ mắc phải khi dễ dàng bị gài bẫy thu hình tung lên Facebook như hiện nay, Hạ cuối tình đầu xem ra còn rất hiền lành trong mắt khán giả. Nhiều người xem những suất chiếu đầu tiên của bộ phim đã bình luận: "Ở ngoài đời không có vậy đâu, mấy con nhỏ trong phim coi như xong đời con gái, bị quay phim, chụp ảnh sex tung lên mạng, bị tống tình, tống tiền, bị bắt cóc chứ không phải chỉ bị chuốc rượu say xỉn để chụp ảnh thôi đâu…".
Gia Linh, Xuân Nghị - cặp đôi dễ thương với mối tình học trò trong sáng nên không gặp sóng gió.
Có lẽ vậy, dù có nội dung chính là một câu chuyện "lừa tình" lẫn nhau của các chàng trai, cô gái mới vào đời với cái kết cuộc tình không có hậu như truyện cổ tích, Hạ cuối tình đầu vẫn cứ rất ngôn tình, rất trong trẻo. Bộ phim vui tươi với những tình huống ngộ nghĩnh, dễ thương, không có gì thật sự nguy hiểm, nghiêm trọng, cũng không có phép lạ Lọ Lem biến thành công chúa hay hoàng tử nhà giàu cưới cô gái nghèo. Các diễn viên trẻ như Quỳnh Hương, Huỳnh Hồng Loan, Gia Linh, Xuân Nghị, Phạm Hoàng Nguyên cũng tươi tắn, tròn vai với các nhân vật xinh xắn, dễ thương của mình.
Sức nặng ý nghĩa của Hạ cuối tình đầu rơi hết vào sức diễn của các nghệ sĩ gạo cội: Lê Thiện, Hồng Vân, Hoàng Sơn. Hồng Vân xuất sắc vào vai mẹ nhân vật nữ chính. Chị diễn rất đạt tâm lý một người mẹ luôn lo lắng, bảo bọc cho con, không dám để con bước vào đời. Sóng đôi cùng Hồng Vân, Hoàng Sơn đóng vai một người cha chừng mực, biết để con vấp ngã tự trưởng thành khi bước vào đời. Vai diễn của cặp đôi này nhấn mạnh ý nghĩa gia đình, cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái khi vấp ngã để nương tựa, quay về.
Nhân vật do Hồng Vân và Hoàng Sơn thủ vai đem lại nhiều thú vị về hình ảnh những phụ huynh ngoài đời thật với nỗi trăn trở dạy con sao cho tốt.
Cùng với Hồng Vân, nghệ sĩ Lê Thiện tuy xuất hiện khá ít nhưng thể hiện tuyệt vời vai một bà già "hồi teen" tràn đầy tình yêu, thanh xuân trong cuộc sống. Nhân vật của nghệ sĩ Lê Thiện và bạn diễn như nhắn gửi thông điệp về sự đẹp đẽ của tình yêu nếu biết yêu chân thành.
Phim có những góc quay Sài Gòn thật đẹp, cận cảnh với những khung hình về đường sách, công viên bờ kè, những góc phố cũ, chung cư cũ, những con hẻm lao động, những đường phố rợp bóng cây lãng mạn...
Ngôn tình, trong trẻo, thuần Việt, thiếu những kịch tính cao trào, Hạ cuối tình đầu có đấu nổi với làn sóng phim Việt làm lại từ những kịch bản phim ngôn tình ăn khách của nước ngoài như hiện nay hay không đang là một câu hỏi thú vị cho thị trường phim Việt.