Giữa lòng Sài Gòn có một vị bác sĩ lạ đời, không chỉ chữa bệnh giúp người mà còn dành thời gian chăm chút cho gần 100 chim chào mào đột biến sắp bị lãng quên. Anh là Võ Văn Nhân, một bác sĩ nha khoa tại quận 10, TP.HCM.
Đam mê nuôi chim từ bé
Làm bạn với chim không phải là sự tình cờ mà đó là niềm đam mê. Năm 10 tuổi, anh Nhân bắt đầu nuôi những chú chim chào mào đầu tiên. Khi ấy, chúng chỉ là loài chào mào bình thường, mình đen, mồng cao và má đỏ nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với anh. Anh Nhân kể ngày xưa đi học xa nhà, mỗi tuần về một lần, khi về đến nhà là lũ chim lại bay đến chào đón mình. “Đó là một cảm giác rất tuyệt vời mà tôi không thể nào quên” - anh Nhân bộc bạch.
Mỗi ngày anh Nhân lại ra thăm chim, quan sát thái độ của chúng để biết chúng đang khỏe hay ốm. Ảnh: MINH TÂM |
Mãi sau này, phong trào chơi chim nở rộ nhưng một số nghệ nhân chưa có kiến thức về nhân giống và bảo tồn, nhiều người còn săn lùng và xuất loài chim quý ra nước ngoài. Không thể nhắm mắt ngó lơ, anh Nhân đã cùng bạn mình ra sức giữ lại những dòng chim quý hiếm của Việt Nam để bảo tồn, giúp chúng sinh sản, duy trì nòi giống độc lạ.
Suốt năm năm săn lùng và lai tạo để bảo tồn loài chim quý, anh Nhân đã góp vào bộ sưu tập với gần 100 chim chào mào đột biến quý hiếm thuộc nhiều loài khác nhau, trong đó có loài chỉ còn lại vài con.
Anh Nhân cho biết: “Dòng hắc chào mào là dòng tôi yêu thích nhất. Bởi dòng chim này hiện nay rất quý hiếm, hình như chỉ có ở Việt Nam, ngay cả các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc cũng không có. Chúng chỉ có 7-8 con ngoài thiên nhiên và chỉ có một con mái, thành ra nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Chính vì lẽ đó đã thôi thúc tôi tìm cách làm sao để có thể nhân giống từ một con trống mà không có con mái tạo được chim con”.
Rất may mắn, sau ba năm tìm tòi, nghiên cứu, anh bác sĩ nha khoa đã nhân giống chim thành công. “Tôi đã chuyển gen của hắc chào mào trống hiện có vào một con trung gian, từ con trung gian đó tôi tiếp tục lai tạo và sau đó chuyển gen ngược lại, rất may là mình đã thành công” - anh Nhân hào hứng nói.
Sở hữu nhiều chú chim quý hiếm
Mất ba năm để lai tạo giống chim mới
Theo anh Nhân, cứ trung bình một cặp chim sinh sản mất một năm. Có những chú chim 8-9 tháng có thể sinh sản được, có những chú mất thời gian hai năm mới sinh sản. Ngoài ra, muốn tạo giống khác biệt với chim cha mẹ thì phải ba năm mới lai tạo thành công.
Ngoài dòng hắc chào mào yêu thích, anh Nhân còn sở hữu những con bạch tạng quý hiếm như bạch tạng mắt đỏ; bạch tạng chân đen, mỏ đen; bạch tạng chân hồng, mỏ hồng... cực quý hiếm và còn sót lại rất ít ở Việt Nam.
Nhiều năm liền sống cùng chim đã tạo cho anh Nhân một sự liên kết vô hình không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của mình. “Bạn hãy thử chăm chút một chú chim từ nhỏ đến lớn đi, bạn sẽ thấy chúng gắn bó với mình rất keo sơn, thắm thiết. Chim hiểu người và người hiểu chim. Cứ mỗi lần thấy tôi là tụi nó hiếu động, bung cánh, hót… rất dễ thương. Và đặc biệt những người chơi chim như chúng tôi ít có thể đi đâu xa, đa phần thời gian tôi đều ở nhà để chăm chim, phần vì nhớ, phần vì không có ai chăm hoặc chăm không tốt bằng mình” - anh Nhân tâm tình.
Những chú chim chào mào đầu tiên được anh nhập lại từ những người bạn trong giới chơi chim cảnh và một số loài có gen quý hiếm được mua về từ Thái Lan. Có những giống chim quý hiếm anh Nhân bỏ tiền tỉ để có thể mang về và nhân giống bảo tồn. Nhiều người ngỏ ý muốn mua lại giống chim quý này nhưng anh quyết không bán, dù đã có người trả giá hàng tỉ đồng. Bởi lẽ đối với vị bác sĩ này, việc nuôi chim không phải để thương mại mà để bảo tồn chúng lâu dài và giữ những người bạn này ở mãi bên mình.
“Đôi khi tôi nghĩ mình có bấy nhiêu là đủ rồi, mình sẽ không đầu tư thêm nữa. Nhưng bất chợt thấy một loài mới, nó lại hấp dẫn mình và mình lại tiếp tục chinh phục để có được nó. Hiện nay, người ta không chỉ lai tạo giữa giống chào mào với nhau mà còn chọn hình thức lai khác dòng để cho ra loài đặc biệt. Ví dụ mình lai tạo bạch tạng với một loài chim màu vàng gọi là chim hoành hoạch để tạo ra chú chim thân vàng nhưng đầu trắng hoặc đầu vàng nhưng thân trắng” - anh Nhân cho biết.
Chăm chim như chăm trẻ
Theo anh Nhân, để chăm sóc các con chào mào đột biến này khỏe mạnh buộc mình phải thật tỉ mỉ từng quy trình và chăm bẵm chúng như đứa trẻ sơ sinh. Đã có nhiều con vừa chào đời rồi lại mất nhưng cũng có con sống và ở lại với anh. “Không có gì hạnh phúc bằng khi mình trông chờ giây phút một chú chim con từ trong trứng chui ra ngoài” - anh Nhân hào hứng nói.
Nuôi một chú chim để bảo tồn đó là cả một câu chuyện dài. Theo anh Nhân, bắt đầu từ khâu chọn giống phải thật kỹ, thiết kế chuồng trại phải làm sao cho gần giống với môi trường bán tự nhiên để chúng thích nghi như ở rừng: Phải có cây xanh, ánh nắng, đối lưu không khí và phải thiết kế vị trí cầu để cho chú chim khi đậu cảm thấy được thoải mái và an toàn.
Mỗi năm anh phải vệ sinh chuồng trại, phải có thuốc kháng khuẩn để trừ khử nấm, vi khuẩn. Còn về phần thực phẩm cho chim sinh sản cũng cầu kỳ hơn, làm sao đảm bảo được khoáng, vitamin, vi lượng và chất dinh dưỡng cho chúng.
“Tôi phải lên kế hoạch bố trí chuồng trại làm sao có màu sắc để kích thích chim ăn nhiều, phải bổ sung thêm vitamin trong nước uống. Đến mùa sinh sản, tôi phải bổ sung lượng khoáng chất, vitamin để chim mái có thể tạo trứng và chim trống còn sung mãn, khi giao phối khả năng thụ tinh sẽ cao. Còn nếu chúng ta không quan tâm đến điều đó thì sản lượng sẽ không đạt” - anh Nhân chia sẻ.
Mỗi ngày người đàn ông này lại ra thăm chim, quan sát thái độ của chúng để biết chúng đang khỏe hay ốm. “Bởi vì chim không nói được, nó khác với người vì khi các bạn đau bụng, bạn có thể nói đau bụng hay đau đầu, hay là đói bụng nhưng chim hoàn toàn khác. Nó sẽ không có sự giao tiếp với chúng ta nhưng mà chúng ta phải quan sát hành vi, thái độ để biết được chú chim đó đang khỏe hay không khỏe, đang vào giai đoạn sinh sản hay giai đoạn thay lông” - anh Nhân nói thêm.
Cố gắng giữ lại những nguồn gen chim quý
“Việc sử dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp dẫn đến loài côn trùng dần mất đi, thực phẩm cho các loài động vật, trong đó có chim bị hạn chế và diện tích rừng cũng đang dần thu hẹp, tôi lo sợ một ngày nào đó các loài chim sẽ không còn nơi trú ẩn. Vì lẽ đó, cứ mỗi ngày tôi luôn thôi thúc mình tìm hiểu và nghiên cứu nhiều phương pháp bảo tồn để có thể níu giữ lại những nguồn gen chim quý còn sống ở tự nhiên” - anh Nhân trăn trở.