Tháng 1-2013, họ sinh được bé NNTV. Vợ chồng bất hòa, hai tháng sau chị T. bỏ lên TP.HCM sinh sống, để con lại cho anh nuôi. Tháng 12-2014, chị T. quay về, đi cùng bảy người lạ mặt xông vào nhà bắt bé V. đi. Sau đó, chị đưa con lên Đắk Lắk gửi cha mẹ chị nuôi. Được bốn tháng, chị mang con về TP.HCM, ở nhờ nhà một người em tại quận Tân Phú. Trong vòng tám tháng tiếp đó, chị chuyển trường học cho con hai lần.
Anh Q. yêu cầu TAND quận Tân Phú cho ly hôn và xin được nuôi con. Theo anh, nếu sống với mẹ, bé sẽ không được giáo dục tốt bởi chị T. thường ăn nhậu, cho bé cầm lon bia cụng với người lớn. Bé chưa đầy ba tuổi mà chị đã cho bé đắp mặt nạ dưỡng da rồi đưa ảnh lên Facebook. Anh còn có ảnh chụp cảnh chị ôm bé ngồi đánh bài ăn tiền...
Chị T. chấp nhận ly hôn nhưng không đồng ý giao con cho anh Q. Chị nói có công việc, thu nhập 17 triệu đồng/tháng (chị T. nộp cho tòa hợp đồng lao động nhưng không nộp bảng lương), sẽ mua nhà riêng...
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2015, TAND quận Tân Phú nhận định: Pháp luật ưu tiên quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của người mẹ. Tuy nhiên, tòa nhận thấy chị T. không chăm sóc con từ nhỏ đến lúc bé hai tuổi là chưa làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Từ khi ở với mẹ, bé luôn phải chuyển chỗ ở, chỗ học. Nơi sinh sống của hai mẹ con cũng không ổn định... Từ đó, tòa giao bé cho anh Q. nuôi dưỡng bởi anh đã chăm sóc bé từ lúc hai tháng tuổi, anh có việc làm ổn định và sự hỗ trợ từ gia đình, có nhà đất, có đủ điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn cho bé.
Chị T. kháng cáo, VKSND quận Tân Phú cũng kháng nghị, yêu cầu tòa phúc thẩm giao con cho mẹ bởi khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Ngày 16-12, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định cháu bé đã sống với mẹ ổn định, được đi học nên sửa án sơ thẩm, tuyên giao cháu bé cho chị T. nuôi dưỡng.
“Tôi chăm con từ khi cháu còn đỏ hỏn. Không phải tôi ích kỷ mà tôi không an tâm khi giao cháu cho cô ấy. Mỗi lần tôi thăm con, cô ấy chỉ đưa cháu ra quán cà phê cho gặp. Lúc chia tay, cháu khóc thét, chạy tới ôm tôi đòi theo. Cứ nhớ tới cảnh đó là tôi rớt nước mắt” - anh Q. buồn bã sau khi phiên phúc thẩm kết thúc.
Theo một kiểm sát viên VKSND TP, anh Q. nên bình tĩnh dõi theo cuộc sống của con. Nếu thời gian tới, bé không được chăm sóc tốt thì anh vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con.