Một chiều cuối tháng 7, tại phòng xử án của TAND TP.HCM, người phụ nữ 64 tuổi đi khập khiễng, thỉnh thoảng lại than thở sao tòa hẹn 14 giờ mà giờ này đã lố 20 phút vẫn chưa thấy tòa vào làm việc. Cạnh bà là người con gái 36 tuổi bị khuyết tật luôn trong tâm trạng lo lắng: “Nếu không được tòa xử cho thắng kiện thì phải làm gì? Tại tòa, tôi là con thì có được tòa cho phát biểu không?...”.
Bà là một bên đương sự trong vụ ly hôn khi cả ông và bà đều đã ở cái tuổi xế chiều. Bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức hồi tháng 4 vừa qua đã chấp nhận cho ông bà được ly hôn. Sau đó bà kháng cáo yêu cầu ông phải cấp dưỡng nuôi người con gái 36 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh, đang có mặt tại tòa.
Lúc HĐXX chuẩn bị vào làm việc cũng là lúc người đàn ông 68 tuổi chậm rãi bước vào phòng xử.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà khai lý do ly hôn là vì ông có tính lăng nhăng, ông đi ngoại tình và đã dọn ra khỏi nhà bốn năm nay. Bà có bốn người con, trong đó có ba người phải ra ngoài ở thuê vì không chịu được áp lực của gia đình, hiện chỉ có người con gái khuyết tật đang ở với bà.
“Bà muốn ông cấp dưỡng mỗi tháng bao nhiêu?” - chủ tọa hỏi.
“Tôi cũng không biết bao nhiêu nữa, mong tòa cứ xử theo pháp luật” - bà đáp.
Ông đứng dậy thưa với HĐXX rằng căn nhà là tài sản chung của cả hai vợ chồng, hiện bà và con gái đang ở. Ông đối đáp: “Tôi ra đi hai bàn tay trắng, giờ đang ở nhà thuê. Giờ muốn tôi đưa 3-4 triệu/tháng phải không, vậy dọn ngay ra khỏi nhà để tôi về ở”.
Nghe vậy, vị chủ tọa xoay qua động viên bà: “Ông đã 68 tuổi, hết tuổi lao động, con cái không còn ở tuổi vị thành niên nên theo luật thì cha mẹ không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con. Nếu khó khăn quá, bà có thể nói ba người con còn lại phụ bà nuôi người con khuyết tật cũng được. Bà có suy nghĩ lại không?”.
Bà không chịu và lý giải lý do rằng hằng tháng bà phải tốn hết 400.000 đồng mua thuốc cho con. Tiếp đó bà muốn ông trả lại sổ hộ khẩu để các con sử dụng cho công việc. Ông không chịu vì ông vẫn đưa bản phôtô cho các con. Thấy vậy, chủ tọa phải giải thích vấn đề sổ hộ khẩu là nằm ngoài phạm vi xét xử nên tòa không thể giải quyết.
Phần tranh luận các bên cũng không ai có ý kiến gì, HĐXX vào trong nghị án.
Lúc này người con gái ở dưới hằn học: “Đã bước chân ra khỏi nhà là không được đòi tài sản gì hết. Sao ông có thể lạnh lùng nói vợ con dọn ra khỏi nhà để cho ông vào ở như thế được? Tôi là đứa con khuyết tật đây chị thư ký!”. Bà liên tục vỗ đùi người con gái, ngăn cản không cho nói. Ông quay xuống nhìn và xin phép thư ký ra ngoài uống nước.
Bà duỗi thẳng chân ra hàng ghế nắn bóp rồi miên man kể về những ngày tháng hai vợ chồng rời quê hương Bình Định vào TP.HCM lập nghiệp, bán hết tài sản ở dưới quê cũng đủ mua được một căn nhà ở quận Thủ Đức. Bà bán hàng bún tại nhà, còn ông đi ra ngoài làm bảo vệ nên thu nhập không cao, cũng chả phụ bà được bao nhiêu tiền nuôi con. Bà bảo bà chỉ đau đớn khi ông đi ngoại tình với bạn của bà là người phụ nữ hàng xóm.
Cuối cùng tòa bác kháng cáo, không chấp nhận yêu cầu của bà, tuyên y án sơ thẩm. Ông vội lấy xe ra về, mẹ con bà ngó theo, không dám về ngay vì sợ ông đánh. Bà đưa tay chỉ vết sẹo trên mặt là khi ông đánh các con, bà can ngăn thì hứng trọn cú đấm của ông.
“Tòa xử thua, tôi thấy bình thường. Tôi chỉ mong nó (người con gái - PV) đừng làm mọi chuyện thêm căng thẳng để tôi khỏi mệt mỏi” - bà nói vội trong lúc người con gái không để ý.