Người dân vùng rốn lũ thấp thỏm dưới họng nước thủy điện

Cứ đến mùa mưa, khi các hồ thủy điện thượng nguồn tích đầy nước và bắt đầu xả, hàng chục ngàn hộ dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại nơm nớp nỗi lo chạy lũ. Năm này qua năm khác, điệp khúc chạy lũ - dọn dẹp bám riết lấy người dân nghèo nơi đây.

Lũ dâng nhanh, người dân trở tay không kịp

Từ ngày 15 đến 17-10 vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Quảng Nam ghi nhận lượng mưa lớn, các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lại xả lũ, gây ngập ở vùng hạ du, đặc biệt ở vùng rốn lũ Đại Lộc.

Trước trận lũ đầu tiên trong năm, người dân vùng rốn lũ Đại Lộc lại hối hả tìm mọi cách dọn dẹp, kê cao đồ đạc. Có nhà không kịp trở tay thì mất trắng tài sản rồi khi lũ rút, họ lại tất bật dọn dẹp nhà cửa… Và năm nào cũng vậy, mùa mưa lũ đến, thủy điện thượng nguồn xả đã cuốn theo tài sản và cả sinh mạng người dân.

Ông Phan Thiện Tín đang sửa ghe để tiện đi lại trong mùa mưa sắp tới.
Ảnh: THANH NHẬT

Mới mưa đã hơn 6.000 nhà ngập

Trận lũ hôm 17-10 vừa qua, rốn lũ huyện Đại Lộc có ba người bị thương, 6.071 nhà/42 thôn bị ngập nước, hàng ngàn gia cầm và gia súc bị cuốn trôi. Lũ cũng gây hư hỏng các tuyến đường ĐT609, ĐT609B, ĐT609C... khi nước ngập sâu 1-2 m. 

Bà Nguyễn Thị Minh (52 tuổi, ngụ thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường) sống ở vùng rốn lũ này nhiều năm với sức chịu đựng phi thường. Chồng mất, ba mẹ con bà sống phập phù mỗi khi con nước xối xả chảy về. Trước thiên tai ngày càng khốc liệt, bà Minh quyết định vay mượn tiền để xây căn nhà nhỏ có gác. Mùa mưa năm nay, tất cả vật dụng quan trọng như tủ lạnh, tivi, bếp… đều được gia đình bà đưa lên gác. Khi nào hết mùa mưa, gia đình bà Minh mới gọi người khiêng xuống.

Theo bà Minh, trước đây nhà chưa có gác, thủy điện cũng chưa có nhiều, mưa lũ nước dâng từ từ thì cả nhà xúm vào đưa đồ đạc lên cao. Tuy nhiên, giờ cứ mưa lớn là thủy điện họ xả nên nước dâng rất nhanh. “Lũ dâng nhanh, dọn dẹp không kịp nên có bao nhiêu tài sản tích cóp mất trắng hết. Tôi gắng gượng vay tiền làm nhà mới cũng là vì lũ. Bởi mùa mưa, thủy điện họ xả trong đêm thì trở tay không kịp” - bà Minh lo lắng.

Mới đây, trong trận lũ ngày 17-10, các thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 xả về hệ thống sông Vu Gia với lưu lượng trung bình 4.000 m3/giây trong nhiều giờ liên tục đã gây ngập hầu hết khu vực trũng, thấp.

Ông Phan Thiện Tín (55 tuổi, ngụ thôn Phú Phước, xã Đại An) cho biết nhiều đợt lũ nước dâng không kịp trở tay. Có lúc mới nghe tin có lũ nhưng chưa kịp chuẩn bị gì thì nước đã dâng tới sát hiên nhà.

“Trận lũ lịch sử năm 1999 là khủng khiếp nhất nhưng hồi đó nước cũng lên từ từ. Lũ rút cũng chậm chứ không lên nhanh, xuống nhanh như bây giờ. Sợ nhất là nước dâng vào ban đêm, phải lo cho tính mạng mình trước, còn đồ đạc có khi thấy nó chìm trước mắt mà bê lên không kịp” - ông Tín nói.

Mong Nhà nước hỗ trợ để làm nhà tránh lũ

Ở vùng rốn lũ Đại Lộc này không phải ai cũng có điều kiện để xây nhà cao ráo, có gác tránh lũ. Do vậy mỗi trận lũ lớn, người dân thường tìm nhà hàng xóm kiên cố xin trú tạm, có người được sơ tán đến nơi do chính quyền sắp xếp. Còn tài sản của nhà ai người ấy lo.

Trời vẫn đổ mưa như trút, ông Tín tính toán sắp tới chắc chắn không thoát khỏi cảnh chạy lũ vì đài dự báo cuối tháng 10 này lại mưa lớn trong nhiều ngày. Năm nay cũng không hạn hán nên các thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung đều sẵn nước. Cam chịu sống dưới họng nước thủy điện, ông Tín tâm sự với chúng tôi là đã chuẩn bị sẵn tâm lý và cả phương tiện để chống lũ.

Gia đình ông Tín ít người, khi nhận thông báo thủy điện xả lũ, hai vợ chồng xúm nhau bê đồ nhưng không cách nào chuyển hết được trước khi nước dâng cao. Sau nhiều lần nhìn của cải và tài sản trôi theo lũ, ông mới rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.

“Mùa mưa, tôi chặt cây chuối để sẵn, mua thùng phuy làm bè. Mỗi lần nhận tin thủy điện xả nước hay tin cảnh báo lũ thì đưa hết đồ lên bè. Nước dâng là bè dâng. Còn ai có điều kiện thì sắm thêm ghe, đảm bảo di chuyển an toàn khi nước dâng” - ông Tín cho hay.

Mặc dù có kinh nghiệm nhưng theo ông Tín, bà con sống ven sông Vu Gia đều lo lắng, thấp thỏm mỗi lần hay tin có lũ. Bà con đều mong muốn các thủy điện ở thượng nguồn có phương án vận hành làm sao giảm tối đa thiệt hại cho hạ du. Bởi năm nào lũ về cũng cướp đi nhiều sinh mạng người dân. “Sống trong phập phù lo âu nên người dân chỉ mong Nhà nước có phương án hỗ trợ để có thể làm nhà tránh lũ” - ông Tín mong mỏi.

Nói về trận lũ vừa quét qua, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang cho biết đang yêu cầu các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn thống kê thiệt hại. Đến nay, huyện Đại Lộc vẫn đang chờ báo cáo chi tiết của các địa phương.

Hỗ trợ 10.000 hộ chống lũ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho hay HĐND tỉnh vừa thông qua tờ trình về nghị quyết hỗ trợ xây dựng chòi phòng trú bão lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Bửu, đối tượng áp dụng là hộ nghèo, hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà. Ngoài ra, các hộ phụ nữ làm chủ hộ, hộ dân tộc thiểu số, hộ là người già cả, neo đơn… đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão lụt cũng sẽ được hỗ trợ.

“Dự kiến tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ 10.000 hộ với kinh phí 100 tỉ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện” - ông Bửu nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm