Trong bộ phim vừa gây sốt ngoài rạp Mad Max: Fury Road (tựa Việt: Max điên: Xa lộ tử thần), không còn ai nhận ra được ở Charlize Theron dấu ấn của một thiên thần trên sàn catwalk ngày nào. Cựu siêu mẫu người Nam Phi đã lắp một cánh tay giả, tô đen quầng mắt và làm người cáu bẩn để vào vai nữ chiến binh dũng cảm đưa một nhóm chị em băng qua sa mạc về quê hương trong bối cảnh giả tưởng Trái đất hậu tận thế.
Phát hoảng với góa phụ đen, phù thủy đỏ
Trước đó, “bom tấn” khai màn cho mùa phim hè Avengers: Age of Ultron có tới hai nữ siêu nhân là góa phụ đen (Scarlett Johansson) và phù thủy đỏ (Elizabeth Olsen) xuất hiện và chiến đấu bên cạnh dàn siêu anh hùng toàn nam giới. Cả hai phim đều khiến người ta có cảm giác bỏ tiền mua vé là đã trích phần trăm đầu tư cho… bình đẳng giới. Nhưng sự thật có như vẻ ngoài mà cả hai phim đều thể hiện ra?
Thực tế vẫn có nhiều ý kiến phản tỉnh cho rằng đó không phải nữ quyền. Trên trang blog cá nhân của mình, nhà phê bình Anita Sarkeesian viết: “Nữ quyền không phải đơn giản là đưa phụ nữ vào tham gia mấy vụ đánh đấm đực rựa kiểu như thế. Nữ quyền đòi hỏi việc xác định lại hệ thống giá trị của xã hội theo nguyên tắc bình đẳng về giới”.
Theo bà, suốt gần ba thập niên qua, người ta thường đồng nhất hình ảnh nữ quyền trên phim với việc xây dựng những nhân vật nữ anh hùng, có sức mạnh cơ bắp và tham gia những pha hành động mạo hiểm không thua kém nam giới. Tiên phong trong cách làm này là loạt phim Kẻ hủy diệt (hè này sẽ có thêm phần 5) với câu chuyện xoay quanh cô Sarah Connor quyết tâm chống lại gã người máy được gửi đến từ tương lai để bảo vệ đứa con vốn được tiên đoán sẽ trở thành lãnh đạo cuộc kháng chiến của con người chống lại người máy.
Hóa trang của Charlize Theron trong phim Mad Max: Fury Road thấy mà kinh.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu hình ảnh người phụ nữ có trở nên mạnh mẽ hơn khi xây dựng họ có hành động anh hùng y chang nam giới? Bằng cách dành cho họ những nhiệm vụ vốn chỉ thích hợp với phái mạnh, phải chăng phim ảnh đang muốn gợi ý phụ nữ nên hành động giống nam giới để tìm kiếm sự mạnh mẽ, gan dạ và gây ảnh hưởng?
Người ta nhận thấy hình ảnh của họ trên phim thực chất chỉ là sự hội tụ giữa sức mạnh cơ bắp của nam giới lẫn vẻ quyến rũ, gợi tình của nữ giới để tạo ra một nhân vật hấp dẫn khán giả ở cả hai giới. Theo đó, các nữ anh hùng được xây dựng không quá nam tính mà cũng không quá nữ tính. Đúng hơn họ là sự kết hợp giữa hai thái cực này để phá vỡ những giới hạn về giới tính.
Vẫn phải phô đường cong trước thế giới điên đảo
Điều hiện ai cũng thấy là các nhân vật nữ anh hùng - mang sức mạnh kết hợp giữa cơ bắp và nhan sắc - thường nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ các khán giả nữ. Vậy phải chăng chính chị em cũng đang có xu hướng (ngầm) coi bạo lực như biểu tượng nâng cao nhận thức về giới?
Nhiều ý kiến cho rằng chẳng dễ gì mà một vài nhân vật nữ anh hùng tiêu biểu lại có thể đánh bật được cả một lịch sử dài của điện ảnh vốn coi phụ nữ như những nhân vật bên lề, tạo cảm xúc tình cảm lãng mạn là chính.
Chưa kể nếu gạt bỏ đi lớp vỏ bạo lực bên ngoài, người ta thấy nội dung của những phim này vẫn còn mang cái nhìn định kiến nam quyền. Chẳng hạn như ở Mad Max, các nhân vật nữ phải chịu sự dẫn dắt của một nhân vật nam và dù thế giới có điên đảo thế nào thì kiểu gì họ cũng phải bước đi như… người mẫu để phô ra đường cong.
Chỉ thông minh và hài hước cũng đủ “cứu thế giới”
Vẫn có vài điểm sáng trên màn ảnh hè 2015 mà các nhà hoạt động phong trào nữ quyền có thể lấy đó làm ví dụ. Trong đó, bộ phim Spy (ra mắt tại Việt Nam với tựa Quý bà điệp viên) gần như là một phản đề của loạt phim James Bond. Phim này xây dựng nhân vật nữ điệp viên “cứu thế giới” với hình ảnh của Melissa McCarthy, một cô đào mập mạp cuốn hút khán giả bằng sự thông minh, hài hước chứ không phải vẻ gợi tình.
McCarthy vào vai nữ nhân viên phân tích của CIA có nhiệm vụ ngồi sau bàn giấy cung cấp thông tin cần thiết cho những đồng nghiệp nam đang làm việc bên ngoài. Cô thú nhận công việc “chẳng lấy gì làm ly kỳ” như mẫu nhân vật đã từng khiến cô xin vào làm ở CIA nhưng cô thà ngồi trong cái văn phòng chán ngắt dưới tầng hầm còn hơn là phải lăn lộn ngoài đường như các đồng nghiệp nam.
Nhưng khi công việc yêu cầu, cô sẵn sàng lao ra ngoài để chống lại những tên khủng bố khét tiếng nhất. Phim này được khen đã nhìn phụ nữ như đúng những gì phù hợp với khả năng và lợi thế mà họ có thể có trên thực tế, cũng như đề cao sự tự chủ và độc lập của họ.