Từng tham gia tình nguyện trong những ngày Sài Gòn oằn mình vì đại dịch COVID-19, giờ đây khi cuộc sống bình yên, ông Huỳnh Minh Hiệp (Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO) lại dành thời gian để kiếm tìm và lưu giữ những mảnh ký ức về đại dịch.
Với mọi người có lẽ ký ức về đại dịch là những tang thương, mất mát mà sẽ chẳng ai muốn nhớ về. Nhưng với ông Hiệp, tháng ngày đó là một phần giá trị trong cuộc đời mà ông đã trải qua. Ông mong muốn giữ lại những kỉ vật có liên quan đến đại dịch như một minh chứng sống cho thế hệ sau nhìn thấy để biết trân trọng hơn hiện tại mà mình đang có.
Không chỉ riêng ở Sài Gòn, ông Hiệp còn lặn lội khắp các tỉnh thành, gặp ai ông cũng ngỏ ý xin lại phiếu đi chợ, giấy đi đường, giấy phạt, hay bất kỳ những kỉ vật về COVID-19.
“Đi công tác ở đâu tôi cũng xin, gặp ai cũng xin, vào quán nước cũng xin, vào quán cơm cũng xin. Cho nên bây giờ là gần như đầy đủ hết các tỉnh thành. Tôi mong muốn được giữ lại cho thế hệ sau này, vì nó là một minh chứng lịch sử dân tộc, về một cơn đại dịch khủng khiếp” – ông Hiệp nói.
Được biết, trong quá trình đi tìm và nhặt lại ký ức ông cũng gặp phải nhiều khó khăn, vì đa số mỗi hộ dân chỉ có một hai phiếu mua thực phẩm thôi. Khi đi mua lương thực cho gia đình thì bị thu hồi lại hoặc đã vứt đi không còn nữa.
Thế là ông nhận được nhiều hơn những kỉ vật liên quan đến COVID-19 từ những tấm lòng đồng cảm ở khắp mọi nơi như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu…
"Một trong những hiện vật khiến tôi ngấn lệ là câu chuyện từ một bé gái 8 tuổi tặng lại cho tôi tờ thư mời nhận quà của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM dịp tết Nhâm Dần 2022 cùng dòng thư tay, cháu viết: “Chào chú Huỳnh Minh Hiệp, con là Lê Ngọc Phương Trinh. Con là trẻ mồ côi cha trong đợt đại dịch COVID. Con gửi tặng chú tờ giấy này để chú lưu lại những ký ức đau thương này, làm cho con thành trẻ mồ côi, mất cha. Sài Gòn ngày 18-2, con trân trọng chào chú"– ông Hiệp nghẹn ngào.
Một câu chuyện khác cũng làm ông Hiệp cay khóe mắt nhớ lại.
Ngoài giấy tờ, ông Hiệp cũng sưu tầm nhiều hiện vật xuất hiện trong mùa dịch khác như là túi thuốc điều trị F0, vỏ của những chiếc lọ vaccine, lương khô của Bộ Quốc phòng, những chiếc túi an sinh của Chính phủ…
Ông Hiệp tâm sự: “Tôi nhớ nhất ngày 23-8 là ngày Sài Gòn giãn cách ở mức cao nhất, 'Ai ở đâu thì ở yên đó'. Vì tham gia vào đội tình nguyện chống dịch, ngày nào tôi cũng ra đường để hỗ trợ. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh Sài Gòn tang thương, chỉ có xe cứu thương, xe của quân đội, xe của tình nguyện viên”.
"Tôi cùng một người bạn tham gia tuyến đầu chống dịch mang những thiết bị y tế từ máy thở, máy SpO2, khẩu trang, những chiếc áo chống dịch đến tất cả các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Tiếp sau đó là người anh trai ruột của đồng đội ra đi vì COVID mà không thể nhìn mặt nhau lần cuối. Cả hai người chỉ có thể đứng trước cổng bệnh viện quỳ gối khấn nguyện để tiễn đưa người đã khuất.
Tay lật vội những tấm ảnh, ông Hiệp bồi hồi nhớ lại những tháng ngày nhọc nhằn cùng bạn bè tham gia tuyến đầu vận chuyển lương thực, thuốc men… Khoảnh khắc Sài Gòn không một bóng người ở những địa điểm nổi tiếng được ông ghi lại cho riêng mình.
“Sài Gòn có bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm…”
Thời gian tới ông Hiệp ấp ủ sẽ làm một triển lãm. Ước mong rằng qua những hiện vật dẫu chỉ toàn là kí ức đau thương, mất mát nhưng khi nhìn vào đó con ngươi ta sẽ thêm trân quý cuộc sống và thương yêu nhau nhiều hơn.