“Tháp”, tên công trình nghệ thuật được đặt ngay cạnh Hồ Gươm, một trong những điểm cần phải đến khi đến Hà Nội (theo quảng cáo của một số đơn vị kinh doanh du lịch”, vừa trải qua một sự việc hy hữu.
Thật ra chỉ là hy hữu trong lĩnh vực nghệ thuật. Khi một công trình phục vụ nghệ thuật bất đắc dĩ trở thành nơi tiểu tiện của người dân. Theo lý giải của các tác giả, “Tháp” là một không gian mở, mọi người có thể đi sâu vào bên trong, ngắm nhìn cảnh vật bờ hồ Hoàn Kiếm qua lăng kính nhiều sắc màu.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào phục vụ công chúng, một hiện thực không thể tưởng tượng nổi đối với nhóm tác giả, đó là công trình này đã sặc mùi xú uế. Ngay trong khối kiến trúc của công trình, những bãi nước tiểu được những người nào đó để lại vẫn hiện diện trước mắt nhiều người. Mùi của chúng thậm chí khiến cho không ít du khách đi qua phải bịt mũi.
Ban tổ chức buộc phải ra một thông báo khuyến cáo, đại thể rằng: Đây là công trình nghệ thuật, không phải nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khuyến cáo trên có vẻ bất lực dẫn đến việc công trình này bắt buộc phải tháo dỡ trước hạn.
Mô hình công trình nghệ thuật đang được tháo dỡ. Ảnh: TT&VH
Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc này là vì người dân tưởng công trình nghệ thuật là nhà vệ sinh nên thản nhiên “giải quyết nỗi buồn”. Mặc dù vậy, tôi cho rằng những người thực hiện hành vi kém văn minh, phản nghệ thuật trên phần đa không hề lầm tưởng hai khái niệm: Công trình nghệ thuật và nhà vệ sinh.
Một điều dễ lý giải nhất đó chính là mô hình nghệ thuật này đảm bảo tính kín đáo cho những người đang cần chỗ vệ sinh mà không tìm thấy.
Nhầm công trình nghệ thuật thành nhà vệ sinh là một cách lý giải được cho là hợp lý, dù có hạ thấp khả năng nhận biết cơ bản của người dân.
Nhìn xa hơn một chút, việc giải quyết bức bách của người dân ở một công trình nghệ thuật cũng xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu vệ sinh của người dân ở Hà Nội.
Thực tế, ở thủ đô có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng như thế. Tuy nhiên, nếu có dịp dạo quanh một vòng Hà Nội, không khó để nhận ra nhiều nhà vệ sinh hoặc là bị ngang nhiên chiếm dụng, hoặc là bị khóa chặt bên ngoài, một số nhà vệ sinh mở cửa thì cũng không ít người phải nín thở khi bước vào.
Đã có thời, người ta truyền tai nhau một câu chuyện về một khách Tây nhờ xe ôm chở đến một tuyến phố có tên là phố Cam Dai. Dò hỏi mãi, ông này mới đưa ra một bức ảnh chụp lại phố này, hóa ra chữ đó dịch ra tiếng Việt là phố Cấm Đái.
Câu chuyện của công trình nghệ thuật trở thành nhà vệ sinh cần được nhìn nhận ở hai vấn đề. Thứ nhất là nhận thức của người dân, thứ hai chính là nhu cầu đáp ứng về các công trình công cộng phục vụ những nhu cầu cấp thiết của người dân đô thị.
Suy cho cùng, nghệ thuật và tính hàm ý của nó luôn cần trong mỗi quốc gia, mỗi xã hội. Tuy nhiên, nghệ thuật có thể nhịn được, còn nhu cầu vệ sinh thì bức thiết tại chỗ. Khi có đủ một hệ thống nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu của người dân, lúc đó mới nói đến chuyện tăng cường các thiết chế để xử phạt những người dân “xả” bậy bạ ở những nơi không được xả.
Dĩ nhiên, nhà vệ sinh thì cần nhưng không phải là nhà vệ sinh trị giá tiền tỉ như Hà Nội từng đề xuất. Mà có là nhà vệ sinh tiền tỉ nhưng vẫn cứ bày ra rồi đóng cửa như nhiều nhà vệ sinh hiện tại ở Hà Nội thì người dân lại phải tìm đến bất cứ nơi đâu, kể cả công trình nghệ thuật.