Các nhà làm giải đã tính đến hiệu ứng của U-23 Việt Nam sau vòng chung kết châu Á bằng cách đưa vào luật cho 1-2 cầu thủ ở mỗi CLB ra sân tại V-League. Điều này mang ý nghĩa giúp cầu thủ trẻ có nhiều hơn cơ hội ra sân và ngoài ra còn mong muốn những người hùng U-23 Việt Nam có thể lôi kéo khán giả đến sân đông hơn.
VFF chưa trả lời VPF với đề xuất này nhưng theo chúng tôi rất khó xảy ra, nếu không muốn nói là phá sản. Đơn giản ở giải vô địch quốc gia là một cuộc đua tranh lấy thành tích cho CLB, bắt buộc các HLV phải chọn lựa con người phù hợp nhất cho lối chơi của họ. Không ai ngây thơ đến mức đưa cầu thủ chơi kém hơn ra sân chỉ vì khuyến khích sử dụng trẻ nhưng ảnh hưởng đến mục tiêu chung của đội.
Cầu thủ muốn ra sân thường xuyên ở V-League cần phải nỗ lực tập luyện và chứng tỏ hơn người cùng vị trí để lấy suất chơi chứ không phải “ỷ” mình dưới 23 tuổi thì đương nhiên có chỗ đá.
Cầu thủ U-23 vừa lập chiến tích ở giải châu Á không có nghĩa đã chắc suất ở CLB. Đơn cử thủ môn Bùi Tiến Dũng là lựa chọn gác đền số ba tại Thanh Hóa, sau đàn anh Thanh Thắng và tân binh Bửu Ngọc.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng trở về từ U-23 vẫn không có suất bắt chính ở CLB FLC Thanh Hóa, thậm chí còn bị xếp vào thủ môn số ba của đội. Ảnh: CTV
Cũng có một số đội bóng không ngại đề xuất của VPF phải có cầu thủ dưới 23 tuổi xuất hiện trong đội hình xuất phát bởi họ đủ năng lực cạnh tranh lành mạnh với đồng nghiệp. HA Gia Lai ba mùa bóng qua sử dụng thừa số lượng với lứa Tuấn Anh, Hồng Duy, Công Phượng, Xuân Trường,… mà không cần áp dụng luật mới (nếu có) của ban tổ chức giải. Tương tự, Hà Nội có nhiều cầu thủ U-23 như Duy Mạnh, Đức Huy, Quang Hải, Phí Minh Long…, hay mới nhất có Đoàn Văn Hậu mới 20 tuổi vừa giành suất đá chính.
VFF có quy định mỗi CLB đăng ký danh sách cho mùa giải phải có ít nhất ba cầu thủ dưới 23 tuổi nhưng việc bắt buộc họ sử dụng lại là chuyện khác. Hà Đức Chinh hay tiền vệ Tiến Dụng ở đội SHB Đà Nẵng nhiều khi cũng ngồi dự bị dưới thời HLV Lê Huỳnh Đức.
Khoảng 10 năm trước, VFF từng thất bại trong việc ra luật ép các CLB sử dụng nhiều hơn cầu thủ trẻ bằng cách cho đá giải vào ngày hôm sau trận đấu V-League. Vì thế, CLB phải tốn thêm một khoản chi phí lớn để duy trì đội hình hai và hậu quả là nhiều đội tìm cách lách luật lẫn phản ứng khi chỉ ra điểm phản khoa học của việc thi đấu vào buổi sáng.
Chịu nộp phạt để không dự giải trẻ Có một thực tế của các CLB chuyên nghiệp là không đủ lứa trẻ để tham dự những sân chơi quốc gia theo quy định của VFF, thậm chí thả lỏng khâu đào tạo trẻ. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, mỗi CLB V-League phải có năm lứa U (từ U-13 đến U-21) tham dự bốn giải (các CLB hạng nhất dự ba giải trẻ) và nếu bỏ một giải bị phạt 200 triệu đồng (hạng nhất phạt 100 triệu đồng). Thế nhưng rất nhiều CLB đã chọn cách… bỏ giải vì thiếu quân hoặc có suy nghĩ thà nộp phạt còn hơn tốn rất nhiều tiền để duy trì các lứa trẻ. |